Những căn “bệnh” trong giới MC Việt – Nguyễn Văn Tuấn

http://nguyenvantuan.net/culture/5-culture/1239-nhung-benh-trong-gioi-mc-viet-

 Những căn “bệnh” trong giới MC Việt

Đọc trên Tuần Việt Nam ( http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-08-mc-van-hoa-hay-vo-duyen-  )một bài phê bình về MC cũng thú vị.  Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét của tác giả.  Ở đây, tôi chỉ muốn chỉ ra một chuyển ngữ chưa đúng, và nêu lên một số bệnh trong giới MC Việt.

Tôi làm quen với chữ MC từ thời còn trong trại tị nạn bên Thái Lan.  Dạo đó, như có lần nói, tôi học tiếng Anh từng chữ một.  Mỗi ngày chỉ học 1 chữ.  Nhưng học kĩ từ nguồn gốc, cách dùng, đến các biến thể danh từ, tính từ, động từ, v.v.  Học như thế hơi chậm, nhưng chắc, và tạo cho mình một sự tự tin tốt.  Tôi vẫn khuyên sinh viên học theo kiểu đó (không biết khuyên vậy có gì sai về sư phạm không?)  Một hôm, tôi chú ý đến chữ MC trong một bản tin trên tờ Bangkok Post.  Thế là tôi tìm từ điển (thời đó làm gì có internet và google) mới biết đôi ba điều về danh từ thú vị này.  Dài dòng như thế để nói rằng nay thấy chữ đó trên báo chí Việt Nam nên kí ức lại quay về.

MC nên dịch sang tiếng Việt là gì?

MC dĩ nhiên là viết tắt của master of ceremonies.  Tác giả của bài viết trên Tuần Việt Nam dịch MC là “bậc thầy của sự giao tiếp”. Theo tôi, cách dịch này chưa chuẩn.  Tôi nghĩ không có bậc thầy ở đây.  Chữ master tuy có nghĩa là thầy, nhưng còn có nhiều nghĩa khác như chủ nhân, thợ, quan chủ tế, v.v.  Và, cũng không có giao tiếp ở đây, vì chữ ceremony có nghĩa là lễ lạc.  Do đó, MC không có nghĩa là bậc thầy của sự giao tiếp, mà là người điều hành chương trình của một buổi lễ, hay một buổi họp hội, kể cả đám cưới, đám hỏi.  Hai chữ ”điều hành” ở đây bao gồm sắp xếp chương trình, giới thiệu khách, và giúp cho buổi lễ diễn ra một cách trôi chảy.  Cần nói thêm rằng MC xuất phát từ Công giáo.  Từ điển wikipedia cho biết MC – như tên gọi – là một quan chức lễ tân của giáo hoàng.  Tôi nghĩ MC có thể dịch là chủ tế thì đúng hơn.

Không biết chữ MC vào tiếng Việt lúc nào, nhưng hình như ngày nay ai cũng biết chút ít vai trò của MC. Mới vài tuần trước, đi dự đám cưới của thằng cháu (là diễn viên điện ảnh và người mẫu) ở miệt quê thuộc tỉnh Kiên Giang, tôi có dịp ngồi nghe MC nói chuyện. Thật ra thì anh này không phải là MC chuyên nghiệp, mà là đồng nghiệp của thằng cháu. Buổi đám cưới cũng vui và anh ta cũng tỏ ra là một MC không tệ, nếu như không có sự cố khi anh ta nhận xét vô duyên về việc cô dâu khóc khi thấy ba má mình rời bến để về nhà.  Anh ta nói đó là “nước mắt cho tình yêu”!  Thú thật, tôi chẳng hiểu nước mắt cho tình yêu là gì, trong khi cô dâu đang buồn vì phải xa ba má.  Lại có nhiều lúc anh ta nói gì đó và yêu cầu khán giả phải vỗ tay! Đúng là nghệ sĩ, rất thích được khen và vỗ tay. Anh ta nói rất nhiều và rất nhanh, dùng rất nhiều sáo ngữ một cách không cần thiết. Không cần thiết là vì đại đa số khách đều là “hai lúa” như tôi, có ai biết và hiểu mấy câu văn hoa bóng bảy đâu.  Nhìn và nghe anh ta, tôi chợt thấy anh là tiêu biểu trong các MC Việt, trong cũng như ngoài nước, với những căn bệnh phổ biến.

Những bệnh phổ biến trong giới MC

Tuy vai trò của MC là làm cho buổi lễ diễn ra một cách trôi chảy, nhưng trong thực tế, không ít MC người Việt làm cho buổi lễ trở nên hài hước, xấu hổ.  MC Việt, trong cũng như ngoài nước, mắc một số “bệnh” khá phổ biến.  Những bệnh này có thể phân thành 4 nhóm: ngộ chữ, lạc đề, lai căng, và cảm tính.

Thứ nhất là bệnh ngộ chữ.  Thật ra, phải nói là khoe chữ thì có lẽ chính xác hơn.  Giới MC chẳng hiểu vì căn cớ nào mà lại rất thích dùng những từ ngữ hoa mĩ [chỉ để nói suông triết lí cuộc đời].  Họ thích trích thơ văn như là một cách để nói rằng họ hay chữ, là người có học thức, và sang trọng.  Chỉ có điều những câu chữ họ trích dẫn nó quá sáo ngữ trong bối cảnh thực tế, có khi chữ nghĩa sáo đến nổi “sến”.  Chúng ta vẫn thấy trên đài truyền hình và radio, các phóng viên cũng rất sáo ngữ, cũng thích khoe chữ.  Người ta thường hay nói thùng rỗng kêu to; có lẽ các MC muốn tự chứng minh rằng mình là trí thức bằng cách dùng từ ngữtrừu tượng và khó hiểu. Nhưng đó cũng có thể là một mặc cảm inferiority. Tôi có cảm giác những MC ngộ chữ có xu hướng nói với họ, chứ không nói với khán giả.

Bệnh thứ hai là lạc đề và gán ghép.  Vì cố gắng tìm câu chữ cho tình huống và bối cảnh của sự kiện, và do kiến thức còn hạn chế, nên các MC Việt thường ví von lạc đề.  Có lần tôi dự một đám cưới dưới quê mà MC cứ thao thao bất tuyệt về chú rễ phải “hạ sơn” từ mấy dặm “sơn khê”, trong khi đó dưới quê thì chẳng có núi non gì cả, và nhà chú rễ chỉ cách nhà cô dâu không đầy 10 phút chèo xuồng!  Tuy nhiên, chẳng ai thắc mắc những sáo ngữ đó có thích hợp hay không, vì ai cũng bận nói chuyện và … nhậu. Ví von và so sánh là cần thiết, nhưng ví von đến lố bịch thì thật là phản tác dụng.

Bệnh thứ ba là lai căng.  Lai căng trong cách dùng chữ Việt và chữ Anh.  Còn nhớ một cô MC lúc đó là hoa hậu nói một cách vô tư: “có lẽ mọi người ở đây và khán giả màn ảnh nhỏ rất tự hào bởi ít nhất Việt Nam cũng đang lọt vào Top five, at least, right? Của Miss Bikini tonight”.  Tôi phải tự hỏi chẳng lẽ tiếng Việt không có từ nào để nói at least, tonight hay sao?  Mà, tiếng Anh của cô cũng chẳng hay ho gì, còn nặng mùi nước mắm và trọ trẹ lắm.  Nghe nói cô này từng học ở Anh vài năm, nên hội chứng loạn chữ mới hình thành như thế.  Thật ra, không chỉ là hội chứng “rối loạn chữ nghĩa” tự phát mà có thể là tự làm để khoe chữ, để khoe rằng ta đây cũng biết tiếng Anh tiếng U, để phân biệt ta là trí thức còn đám đông ngơ ngác dưới kia là dốt ngoại ngữ.  Nhưng đó là lai căng.  Còn nhớ Trịnh Công Sơn viết Gia tài của mẹ một bọn lai căng / Gia tài của mẹ một lũ bội tình.  Bội tình tiếng mẹ đẻ.

Một bệnh liên quan đến lai căng là bệnh yếu tiếng Anh.  Yếu tiếng Anh không phải là điều gì đáng trách, vì đâu phải là tiếng mẹ đẻ.  Nhưng xuất hiện trước diễn đàn có khách quốc tế mà nói tiếng Anh linh tinh, quá nhiều sai sót là không nên.  Chúng ta còn nhớ một MC gọi là “nổi tiếng” vì không hiểu tiếng Anh nên đã dịch ẩu phát biểu của một khách ngoại quốc trong liên hoan phim.  Đó là một sai sót khó có thể tha thứ vì chẳng những thiếu tôn trọng người ta mà còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh Việt Nam.

Bệnh thứ tư là cảm tính.  Thật vậy, chẳng biết từ thưở nào, giới MC Việt dùng từ ngữ cực kì cảm tính.  Những câu chữ như “khán giả mến yêu của chúng ta” làm tôi rùng mình, nổi da gà, vì cảm tính và sự giả tạo của câu nói.  Dù biết là câu nói đầu môi chót lưỡi, chứ MC chắc gì tin vào những gì mình nói ra.  Thói cảm tính chẳng những làm giảm sự trang trọng (hay vui vẻ) của câu chuyện, mà còn biến người MC thành một kẻ hề.  Khán giả không cần những câu chữ cảm tính; họ cần người MC thể hiện sự tôn trọng khán giả, có trí tuệ và chút thông minh.

Tôi nghĩ một người MC giỏi phải là người có trình độ văn hóa (không phải học vấn) tốt, có kiến thức phổ thông tốt, và thận trọng trong cách dùng từ ngữ.  Người MC tốt còn phải là người (a) am hiểu sự kiện mình dẫn dắt; (b) hiểu rõ khán giả là ai, thuộc thành phần nào; (c) tỏ ra thân mật và tôn trọng khán giả; (d) tự tin, không làm trò hề hay đùa giỡn quá mức; và (e) dứt khoát không tỏ ra cảm tính.

Nhìn quanh các MC trong nước và ngoài nước, tôi chẳng thấy ai – ngoại trừ ông Nguyễn Ngọc Ngạn – hội đủ 5 tiêu chí trên.

NVT

Bình luận về bài viết này