Hồi ký: tôi đi học phổ thông (cấp 1)

Lớp 1 (1975-1976)

Tôi học lớp 1/6, phòng số 7, trường cấp 1 Lê Quý Đôn (niên khóa 75-76). Học buổi chiều.

Sân trường của chúng tôi ngăn cách với phần trường cấp 3 bên kia bằng một hàng rào mà bấy giờ đang bị đổ nát một góc như vừa bị pháo kích.

Đồng phục của chúng tôi, mãi tới hết năm lớp 12, nhà trường chỉ yêu cầu áo trắng, đeo phù hiệu. Cấp 2 yêu cầu thêm nam mặc quần dài, cấm mặc xà-lỏn. Chưa từng bị buộc mua đồng phục do nhà trường độc quyền bán ra. Phù hiệu được bán ra tùy theo nhu cầu học sinh đăng ký mua.

Sách giáo khoa hàng năm được cho mượn miễn phí. Bấy giờ sách do Hà Nội xuất bản, giấy tốt hơn cùng một ấn bản in những năm sau đó. Tập vở được thầy dạy bọc bìa theo màu để dễ phân biệt. Tập viết bìa đỏ và tập làm tóan bìa xanh lơ.

Trường tổ chức chích ngừa cho học sinh thường xuyên. So với các năm kế tiếp thì chúng tôi năm này được chích nhiều nhứt. Nhiều quá rồi cũng không ai để ý đã được chích ngừa bịnh gì. Trong khi bên ngoài có nghe một yêu cầu đưa ra như khẩu hiệu “ Chích ngừa phải đủ 3 mũi ”. Xem vậy thì trường chúng tôi đã “vượt chỉ tiêu xuất sắc”. Một số trường khác lại không chích ngừa bao nhiêu.

Chương trình đơn giản, chưa từng biết học thêm. Về nhà càng không hề biết làm bài bao giờ.

Đầu tiên, 5 điều Bác Hồ dạy được học thuộc kỹ lưỡng.

Các bài học khác về luân lý lể nghĩa được thầy dạy và cho lặp lại đến khi thuộc lòng. Vì tất cả chưa ai..biết viết. Mà chẳng ai cần phải học trước chương trình lớp 1 làm gì.

Ban đầu học viết bằng viết chì. Thầy khuyên nên dùng viết chì Gilbert số 1 nếu có điều kiện. Thời khan hiếm không còn thứ  khác để lựa chọn, gặp viết chì Hồng Hà vỏ đen thui cứng như que củi cũng ráng bấm bụng mua về xài. [1] Tập để viết đầu tiên là lọai “hàng đôi”. Sau này khi bắt đầu được phép xài viết mực thì chuyển qua lọai tập lọai kẻ ô thông thường.

Sau vài tháng, chúng tôi tập dùng ngòi viết và mực tím (bán từng viên mực nhỏ, mua về ngâm nước hòa tan đổ vô bình mực nhỏ mang đi học). Mình mẩy, áo quần tôi luôn có vết mực dính không ít thì nhiều suốt cả năm.

Sách giáo khoa được nhà trường cho mượn đến cuối năm. Ai làm mất thì phải đền bằng tiền, hay ra nhà sách Giải Phóng [2] tìm mua để trả lại cho nhà trường.

Khi học hết chương trình đánh vần ở học kỳ 1, chúng tôi bắt đầu học sách tập đọc. Tôi còn nhớ mấy bài:

–          Bài “ Trường em”

Trường em mái lá xinh xinh,

Hàng ngày em đến học hành vui chơi,

Em ca, em hát, em cười,

Em chăm học tập nên người trò ngoan.

–          Bài “ Tép, Tôm thật thà”

Bà Hai đi chợ mua rau

Cái Tôm, cái Tép đi sau lưng bà,

Tiền bà trong túi rơi ra

Tép, Tôm nhặt lại trả bà mua rau.

–          Bài “Nghe lời cha dặn

Trước ngày đi bộ đội

Cha ôm em vào lòng

Ở nhà con chăm học

Nghe lời mẹ lời ông

Dỗ em khi nó khóc

Cho mẹ đi làm đồng

Em nghe lời cha dặn

Để cha được vui lòng.

–          Bài “Bắt giặc lái Mỹ”:

Chúng em chơi trò

Bắt giặc lái Mỹ [3]

(quên 1 câu)…

Báo động te te,

Chúng em nhất tề

Súng trường, súng máy..

Con ma bốc cháy

Thần sấm lộn nhào

Thằng giặc giơ tay

Cúi đầu chịu tội.

–     Bài “Ong đánh Mỹ” : chú Tư gài bẫy giựt dây làm rơi tổ ong làm ong bay ra chích giặc Mỹ. Trong sách vẽ hình chú Tư ngồi trong bụi cây giật sợi dây nối với tổ ong như giật dây diều, bầy ong vở tổ vây đánh quân giặc.

Trong khi đi học,  “hơi hám” chuyện thi đua có nghe thầy thỉnh thỏang nhắc tới nhưng chưa ai hình dung là cái gì, thế nào… chỉ nghe qua rồi bỏ. Con nít là vậy mà !

Con số 0 đầu đời tôi lãnh được với lý do lãng nhách. Hôm đó thầy dạy hát bài “Tự nguyện” (Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng…). Vì quá dài khó nhớ so với tuổi tôi nên khi tôi lên hát không thuộc bị ăn 0 điểm về chổ !

Nhớ một lần, nhà trường cho học sinh về sớm hơn 1 tiếng mà không báo trước cho phụ huynh hay biết. Tôi cũng như nhiều bạn khác khóc vì ông bà già không ghé rước. Cuối cùng tôi tự đi về trường ba tôi dạy cách mấy con đường gần đó để tìm ba tôi [4]. Việc này làm ba tôi lo lắng tìm tôi suốt cà buổi chiều hôm đó.

Ở cổng trường có bày bán mấy món hàng rong mà ngày nay không còn nữa: ngoài kem,  bánh khoai mì xay [5],  kẹo ú, me, nước đá bào pha si rô, bánh bao chỉ, kẹo kéo… Tôi ưa ăn hàng, nhưng tiền ít nên lâu lâu mới ăn một lần. Tôi nhớ một cây kẹo kéo do một ông già đi xe đạp bán giá 10 đồng một khúc kẹo dài 1 tấc (giá trước lần đổi tiền đầu tiên).

Các trò chơi bắn bi, cò cò, đá ngựa, đá gà, nhảy cừu, nhảy dây, đánh đáo, đánh trỏng, tạc lon, tạc bao thuốc lá, dích hình.. khá thịnh hành suốt thời gian chúng tôi đi học. Đến khi games vi tính ra đời thì các trò chơi này coi như “thất truyền” hẳn.

Giờ chơi gặp trời mưa thì quá thú vị, khi mưa ngập lênh láng sân trường càng thú vị hơn. Cũng vì vậy mà một lần tôi bị ướt gần hết áo quần do thằng bạn giỡn xô té xuống vũng nước sâu. Hên là không bị thầy phạt.

Mối kinh hòang vì dịch ghẻ ngứa lan tràn và kéo dai dẳng đến mấy năm sau mới dứt. Tôi may mắn không bị dính trong khi một số bạn bè trong lớp xung quanh ai nấy như cắc kè bông. Có thấy nhiều anh bị ghẻ lan hết từ đầu tới chân không chừa một chổ. Thời khan hiếm xà bông là một thiên đường cho con ghẻ tung hòanh trong mọi giới. Nhiều người bực bội chửi rủa cái chứng dịch oan nghiệt như là một tai họa do khỉ trong rừng gieo rắc cho người (!?).[6]

Tôi thèm coi phim họat họa Walt Disney với các nhân vật Mickey, Donald, Pluto.. vốn trước đó trên truyền hình hay được chiếu kèm sau chương trình “Em yêu khoa học” do ông Lê Đăng Khoa dẫn. Mà lúc này hết tìm thấy lọai phim như vậy do biến cố lịch sử. Tiếc !

Trong dịp hè, bắt đầu thấy trước nhà, con nít trong xóm tập trung vào ban đêm, xếp thành vòng tròn rồi cùng vỗ tay hát inh ỏi khắp xóm, với 1 đứa ở giữa vổ tay đi vòng vòng:

“Sòn đố mì la fa son, Son đố mì mì la fa sol, Đố rê mi là fa son, Đố rê mi là fa son, Đố rê mi là fa sòn, sòn sòn la fa son, sòn sòn la fa son ”

(khi hát gần hết bài thì em đi giữa ngừng tới bạn nào đó rồi cả hai chống nạnh, 2 chân đá qua đá lại với nhau, quay qua quay lại mấy cái. Rồi bạn kia bắt đầu đi vòng vòng ở giửa như em hồi nãy, cứ thế..ra rả cả đêm. )

Còn bài này thì nghe đỡ hơn (nhưng nhạc chế thì tục khủng khiếp!): Cùng nhau múa xung quanh vòng, cùng vui múa cùng vui, cùng vui múa xung quanh vòng, vui cùng vui múa đều. Nắm tay nhau, bắt tay nhau, vui cùng vui múa ca. Nắm tay nhau, bắt tay nhau, vui cùng vui múa đều.

Lần khác trong sở thú, tôi chứng kiến đám thanh niên choai choai cũng nhảy như vậy mà hát như sau: “Nhìn mặt nhau ta thấy quen quen, thấy quen quen nhưng không phải là quen..(??)”

Hay là bài (chỉ nắm tay đi vòng vòng đi xuôi đi ngược, hết bài đứng lại vỗ tay mấy cái, rồi đi ngược lại): “Vòng tròn có 1 cái tâm, cái tâm ở giữa vòng tròn, đi sao cho đều cho khéo, cho vòng tròn đừng méo đừng vuông

Đó là những ấn tượng sinh họat “tập thể” đầu tiên. Không ngờ sau này tôi bị buộc phải tham gia và.. GHÉT đến nỗi không ngớt nguyền rủa “thằng nào” điều nghiên đẻ ra cái hạng mục vui chơi quái đản này. Lổ tai tôi bị thứ nhạc sinh họat quái thai lải nhải “hãm” hết mùa nghỉ hè này sang kỳ nghỉ hè khác. Chưa kể là bên cạnh còn những cái loa phường phát ra rả cả ngày, ai nghe hay không mặc kệ.

Phúc thay cho những ai không trải qua !

Lớp 2 (1976-1977)

Tôi học lớp 2/6 buổi chiều. cô S. chủ nhiệm. Ngày tựu trường đúng 1 tháng 9(sau đó vài năm, ngày tựu trường sớm hơn, thường là khỏang 25 tháng 8).

Cô cho chép 10 điều nội quy học sinh. Khuyên ráng học thuộc. Nói chung cũng là những điều phải biết: kính trên, nhường dưới, lể phép, yêu quý giúp đỡ bạn bè, em nhỏ..

Nhưng đó là bài giáo dục chiếm thiểu số trong các hạng mục khác của môn đạo đức sau này.

Tôi nghe thấy các từ mới mà chưa hiểu nghĩa: hộ khẩu [7], nhu yếu phẩm, hợp tác xã, tiêu chuẩn, diện ăn theo, làm chủ tập thể, khắc phục, quán triệt, triệt để..

Trên đường đi học, tôi để ý thấy từng nhóm bộ đội ôm súng luyện tập hành quân dọc bên đường cũng như nhiều chị bộ đội, tóc thắt bím, đi từng nhóm,  thồ đống rau muống to đùng trên những chiếc xe đạp quá cao đến nỗi khi dừng phải nhảy khỏi yên xe, chống hai chân xuống đất.

Tại nơi công cộng, dọc bên đường, trước cửa các cơ quan, các tờ tuyên truyền dán và treo nhan nhản: “Đả đảo bọn tư sản mại bản làm giàu trên xương máu nhân dân”, “CN Mác-Lênin bách chiến bách thắng”, “Nước Việt Nam là một…”, “ Tòan dân quyết tâm..”, “ Không có gì…”.  Xem như tôi tự thấm nhuần mấy bài chính trị đầu tiên mà không biết.[8]

Bên cạnh các hình thức lao động mới: đi đào kênh, thủy lợi, đi trồng cây tăng gia sản xuất, trồng cây gây rừng, đi tổng vệ sinh.. thì bên ngòai dân chúng có nhiều nghề mới được sinh ra: đắp vỏ xe, lộn sên.. kèm theo những “trung tâm” như : trung tâm  phục hồi bu-gi, trung tâm ăn uống, … như là một lạm phát. Để dần dần, nhiều năm sau này là đẻ thêm những “dịch” lạm phát khác đa dạng và phủ phàng hơn: nuôi cá trê phi, mở tiệm vàng [9], tiệm thuốc tây, địa ốc, chứng khóang, ngân hàng, resort, thủy điện, ca sĩ, nhạc sĩ…

Trong lớp, học trò hay kháo nhau là bộ đội ngoài Bắc vô giàu lắm, có tiền mua đồ quá trời ở trong Nam! Sau này khi lớn lên tý mới biết là do tình hình sau lần đổi tiền với 500 đồng tiền “Ngụy” lấy 1 đồng “ mới”: “Năm đồng đổi lấy một xu…”mới xảy ra chuyện trên trong thời gian ngắn. Ngoài ra còn thấy du nhập nhiều chuyện tiếu lâm: cà rem phơi khô bỏ túi, tivi chạy đầy đường, gà đẻ một ngày ba trứng, nuôi cá trong bồn cầu, tiêu chuẩn “đổng-đạp-đài”[10], công nghiệp “cao-xà-lá” [11]

Nhìn mấy anh chị lớp trên đeo khăn quàng đỏ, tôi cũng ham. Do lạ mắt, ngồ ngộ với cái đuôi nhọn nhọn của khăn quàng đỏ nhìn từ phía sau cùng với cái nón “măng non” xanh nước biển. Chúng tạo nổi bật ba màu xanh-trắng-đỏ với nền áo trắng học trò như một biểu tượng “Tự do- Bình đẳng- Bác ái”. Tôi không biết làm sao để có được mấy cái “xanh xanh đỏ đỏ” để đeo cho “thằng nhỏ này” mừng.

Nhìn chung tôi bắt đầu để ý dần dần nhiều chuyện tai nghe mắt thấy bên ngoài, tạo cho tôi nhiều ấn tượng khó quên trong những năm đầu đi học.

Tôi chưa biết có 2 hệ đào tạo song song 10 năm (ngoài Bắc) và 12 năm (trong Nam). Lớn lên mới biết. Còn nhớ  là thấy một bạn vừa chuyển trường từ ngoài Bắc vô học chung, vài bữa sau thấy trường gọi lên chuyển lên lớp trên trong sự ngơ ngác của chúng tôi.[12]

Tôi chứng kiến một chuyện phản cảm đầu tiên khi mà cô giáo đi vắng, cắt cử mấy đứa trong lớp cai quản lớp. Tụi nó dùng thước đánh thẳng tay những đứa nào mở miệng ra nói, dù chỉ là hỏi tụi nó một chuyện gì đó. Có một anh bị đánh đau quá khóc ré khiến cả bọn phải xúm nhau tới bịt miệng một hồi mới dứt. Còn ai mắc đi vệ sinh thì tụi nó nạt nộ không cho đi, đái ỉa tại chổ ráng chịu. Có lần một anh bị đánh nổi cộc đòi “đục” tụi kia một trận ! Không hiểu cô giáo khi đó nghĩ sao mà tổ chức như vậy.

Để hạn chế việc học sinh đi về gọn nhẹ và không bị dính đổ mực, nhà trường có sáng kiến cho học sinh gởi lại bình mực của mình (có đề tên từng người) vào tủ trong lớp trước khi ra về. Tôi cho cách này là hay mà sau này không thấy trường nào áp dụng nữa.

Môn Toán quy tắc hóa với phép tính bằng 2 bước kèm theo dài dòng như: “muốn cộng một số với 2 chữ số, ta cộng 2 số hàng chục với nhau, cộng 2 số hàng đơn vị với nhau, sau đó ta cộng tổng của chúng lại với nhau”…

Với tuổi non nớt 7,8 tuổi như tôi làm sao kham nổi ? Dù tôi đã được ba tôi dạy tính thạo cộng trừ trực tiếp theo kiểu “chồng số”, mà theo cách đó lại bị cô rầy do sai quy tắc. Các quy tắc làm tôi bị “loạn tính ” nên bị trật riết. Ăn điểm xấu dài dài cả năm.

Hơn nữa, cái “họa” học cửu chương hình như học trò thời nào cũng ngán. Lúc rảnh là phải ôm cuốn tập, giở mặt lưng “tụng” củu chương cho thuộc. Đặc biệt trong chương trình, thường hầu hết các phép tính đều nằm trong “phạm vi 20” nên học cửu chương cũng trong giới hạn đó. Chẳng hạn: 9 x 1 = 9, 9 x 2 =18 là hết, không học thêm nữa vì 9 x 3 = 27 lớn hơn 20 rồi ! Phải đến lớp trên mới từ từ học tiếp. Chẳng biết tại sao không học luôn cho xong.

Rõ là mình không học thì thôi mà càng học theo bài bản của trường thì rất dễ bị ngu thêm. Sợ cuối tuần về đưa tập cho phụ huynh kiểm tra ký tên. Bị điểm xấu và ăn đòn thì ai cũng  sợ! Thỉnh thỏang, tôi nghĩ ra một cách là âm thầm xé trang bị điểm xấu để hy vọng tránh ăn đòn. Lâu lâu vẫn bị phát hiện trò gian dối đó !

Đã vậy một lần tôi đội sổ hạng 43/44 vì một tuần nghỉ học về quê ngọai chơi.

Trong các bài toán đố, các nội dung tuyên truyền được lồng vào trong đề, thậm chí còn dài hơn cả nội dung chính của đề (đại khái là): “Lập thành tích chào mừng ngày…(bất kỳ một ngày lễ lớn nào cũng được), 2 xã A và B quyết tâm thi đua phong trào giết giặc lập công. Xã A diệt được 25 tên giặc. Xã B diệt được 30 tên. Vậy bao nhiêu tên giặc bị tiêu diệt ?” hay “Trong dịp hưởng ứng phong trào trồng cây ngày…(một ngày lể lớn)  do nhà trường phát động thi đua, em Bắc trồng 20 cây, em Nam trồng 17 cây. Vậy Bắc trồng hơn Nam mấy cây ? (Để ý là luôn luôn Bắc phải “hơn” Nam, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng).

Bài tập viết hàng ngày được dạy cho chúng tôi với các tên và từ “mới lạ” : La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Vừ A Dính…

Bài làm thủ công thỉnh thỏang với các chữ số: 1-5, 27-7…

Các bài tập đọc có nhớ mấy bài như sau:

–      “Trường làng”: tả ngôi trường mới xây và sinh họat ở trường sau khi bốt đồn giặc bị tiêu diệt.

–      “ Cành cây báo động”: em bé dùng cành cây báo động để báo du kích tránh bọn giặc càn quét.

–     Chuyện “Em bé câm”: em bé câm ra dấu báo cho hai anh bộ đội tránh ổ phục kích của giặc.

–     Chuyện “Em không thèm ăn kẹo Mỹ” (Bọn Mỹ đưa kẹo cho em bé để dụ em chỉ chổ dấu vũ khí nhưng em không thèm kẹo Mỹ).

–     Chuyện “Bỏ cát vào súng Mỹ” (Hai chị em vào đồn Mỹ chơi rồi lén bỏ cát vào các nòng đại liên. Khi nghe tiếng nổ, bọn Mỹ dùng súng bắn để tự trấn an thì tất cả súng đều bị cát làm tét nòng ! Khiến “Bọn Mỹ hết sức kinh hòang” (nguyên văn).

–      “Hiên Ngang”: em bé bị giặc đánh gãy tay vẫn hiên ngang không sợ giặc hăm dọa, khủng bố.

–      “Ong đánh Mỹ”: chú Tư nuôi ong vò vẽ đánh Mỹ, dạy ong biết được mùi giặc để tự động tấn công khi có giặc (!). [13]

–      “Trâu đánh Mỹ”: Trời nóng nực, thằng Mỹ dành với con trâu vũng nước để nằm cho mát nên bị trâu nổi giận húc lòi ruột chết.

–      “Kim Đồng” : anh Kim Đồng làm giao liên, giấu mật thư trong cần câu, hy sinh anh dũng vì cố ý chạy cho giặc bắn theo. Tiếng súng báo động giúp cho cán bộ chạy thóat (có bài hát và bài vè [14] ca ngợi).

–      “Anh hùng lấp lỗ châu mai”: anh Thố hy sinh dùng thân mình lấp lỗ châu mai để đồng đội tiến lên diệt giặc (sau này lớp 5 có học lại bài này, có ghi rõ thêm với tựa là “ Trừ Văn Thố – Phan Đình Giót của miền Nam).

–      “ Ôm bom giết giặc: Ngô Mây, chòang khăn đỏ cảm tử, ôm bom phục kích trong bụi rậm, Thấy tiểu đội lính Âu Phi đi đến hỏi nhau: “Việt Minh đâu ? Việt Minh đâu ?”. Ngô Mây ôm bom lăn xả ra la lớn: “Việt Minh đây !” (Sách khác ghi: “Việt Minh đây ! Bố mày đây !”) rồi nổ bom hy sinh giết giặc, khiến về sau bọn giặc khi thấy bóng chiến sĩ chòang khăn đỏ là phải “ù té bỏ chạy” (!!??)

–     Chuyện chị Chiên, tay không nhào vô giựt súng thằng Tây chỉ huy rồi kêu du kích bắt gọn hết bọn giặc đi theo (?!) [15]

–      “Anh hùng Ngô Gia Khảm” (anh hùng chế tạo thuốc súng rồi bị tai nạn)

–      “Em bé đuốc sống” (anh Lê Văn Tám tự tẩm xăng vào áo mình, vượt qua mặt 2 tên lính gác rồi châm lửa đốt áo mình biến thành cây đuốc sống chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp). Câu chuyện được lặp lại nhiều lần trong suốt đời học sinh. (có thấy phim, bài hát và kịch múa rối ca ngợi) [16]

–           “Bé lấy súng Mỹ”: (Cuối bài có câu ghi nhớ: Bé cũng lấy được súng Mỹ).

Bé giơ cái ve

Dầu Nhị Thiên Đường

Bé khoe dầu thơm

Cho thằng mỹ ngửi

Mỹ đang lúi húi,

Bé bị mắt ngay

Rồi bé nhanh tay

Xoa dầu túi bụi

Xoa tràn mắt mũi

Mỹ dụi lịa ba

Bé cười hà hà

Nhanh chân chạy mất

Khi mở được mắt

Súng bé lấy rồi

Mỹ mếu ôi thôi

Mắc mưu thằng bé.

–           “ Chú bé liên lạc”:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Ca lô đội lệch

Mồm húyt sáo vang

Như con chim chích

Nhảy trên đường làng.

–    “ Mẹ Suốt”:

..Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng nước tàu bay
Tây kia ta đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ…

–     Chuyện chị Võ Thị Sáu. (có bài hát ca ngợi) [17]

–           “Bác khen cháu”:

Bác được tin rằng,

Cháu làm liên lạc

Bị giặc bắt được,

Chạy trốn thóat ngay

Mang hai lính Tây,

Theo về bộ đội

Thế là cháu giỏi

Biết các tuyên truyền

Nay bác động viên

Khuyên cháu gắng sức

Học hành công tác

Tiến bộ luôn luôn,

Gởi cháu cái hôn

Và lòng thân ái.

–           “ Gò Đống Đa”

Đống Đa xưa bãi chiến trường

Ngổn ngang xác giặc vùi xương thành gò

Đầu năm mở trận thắng to

Vẳng nghe còn những tiếng hò ba quân.

Hàng năm lể hội tưng bừng,

Quang Trung sống mãi trong lòng chúng ta.

–           “Đôi dép thần kỳ”:


Các em đọc cổ tích
Chắc rất thích được gặp
Những đôi giày thần kỳ
Một bước đi bảy dặm
Còn nhanh hơn chim bay
Thế kỷ hai mươi này
ở tại một nước nọ

Có nhiều núi, nhiều sông
Có nhiều mưa, nhiều gió
Có cờ đỏ sao vàng
Có mùa khoai, mùa lúa
Có đôi dép thần kỳ

Một cụ già thường đi…
Người làm đôi dép này
Cắt lốp xe làm đế
Cắt săm xe làm quai

Dép đen màu than đá
Hình dáng nhìn rất ngộ

Như đôi xà lan nhỏ
Thích lênh đênh sông dài.

Theo cụ già xuống biển
Theo cụ già lên non

Được cụ già yêu thương
Dép có bao tài sức:
Đê sắp vỡ, vì lụt

Có dép đến, lụt lui

Ruộng nứt nẻ cả rồi
Có dép về, nước đến
Nơi nào quá nghèo túng
Dép tới, đỡ túng nghèo
Nơi nào dân thiếu chữ
Dép tới, chữ về theo
Hỏi dép: Sao dép tài?
Dép thật thà đáp ngay:
Dép trước sau vẫn dép
Tài trí ở người đi
Tài trí ở cụ già
Biết gọi người cả nước
Triệu người chung một lòng
Giành tự do, độc lập
Biết dẫn cả trẻ, già
Biết đánh thức gần, xa
Cùng lên đường hạnh phúc.
Cụ già râu tóc bạc
Mang đôi dép thần kỳ
Em có biết là ai?
Là Bác Hồ mình đó!


(sách in đến đây là hết. Đọan sau này được in thêm trong sách giảng văn lớp 6)


Bác Hồ của Việt Nam
Có nhiều núi nhiều sông
Có nhiều mưa nhiều gió
Có cờ đỏ sao vàng
Có mùa khoai, mùa lúa
Có đôi dép thần kỳ
Anh làm thơ hôm nay…
Nhưng hôm nay, hôm nay
Bác Hồ không còn nữa
Vắng tiếng dép Bác Hồ
Cả Việt Nam thương nhớ
Cả loài người thương nhớ…
Đôi dép thần kỳ đó
Giờ theo Bác đi xa
Đi vào trong lịch sử
Chói ngời của dân ta
Theo Bác dép đi xa
Phép thần kỳ để lại
Các em hãy giữ lấy
Trong đôi dép của mình
Dù dép to, dép nhỏ
Dù dép đỏ, dép xanh
Miễn các em làm đúng
Lời Bác Hồ Chí Minh!

 

–          Bài thơ (hình như được T.H. cải biên từ ca dao Việt Nam):

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Bác Hồ hơn mẹ hơn cha

Mênh mông trời biển, bao la biển trời…

–          Bài thơ “Một chiều hè lịch sử”

Bố kể chuyện Điện Biên
Bộ đội ta đánh thắng
Lũ Tây bị bắt sống
Ta giải đi từng hàng
Tướng Đờ Cát xin hàng
Bốt đồn đều san phẳng
Cờ quyết chiến quyết thắng
Tung bay trên nóc hầm
Chiều mùng bảy tháng năm
Một chiều hè lịch sử.

 

–          Các bài nói về đất nước: Sân chim Bạc Liêu, Rừng U Minh lắm cá nhiều chim,..

–          Các chuyện cổ tích: Vì sao chàng hiu biết trèo, Thỏ và nhím, chuyện anh nông dân và gấu, cóc kiện trời, Đánh voi vỡ đầu..

–          Thơ ngụ ngôn: Cánh cam và cóc:

Cánh cam nhìn cóc tía
Tha thẩn bên luống rau
Từ chân lên tới đầu
Trời ơi! Bùn lấm bết
Cánh cam kêu khiếp khiếp,
Sao anh bẩn thế kia
Cóc tía cười hề hề
Anh chê tôi bẩn hả
Tôi bắt sâu bắt bọ
Cho lúa tốt rau xanh
Cho hoa múa đầu cành
Cho vườn càng lộng lẫy
Công việc ta đẹp vậy
Ta dính đất hề chi
Còn anh, anh làm gì
Từ mờ sương đến tối
Anh rong chơi mê mải
Phá nát búp cây xanh
Dù quần đẹp áo lành
Anh vẫn là người xấu

 

–          Bài “cú vọ”


Tôi là cú vọ,

Tôi chẳng sợ đêm,

Màn tối càng đen

Tôi nhìn càng rõ

Tôi rình tôi ngó

Chuột chạy đó đây

Từ trên cành cây

Tôi sà xuống gắp

Lúa, khoai, mì, bắp,

Nuôi sống con người.

Nhờ có bọn tôi,

Chuột không phá họai.

 

Chúng tôi được nhà trường cho đi tham quan bào tàng “Tội ác Mỹ-Ngụy”. Khi về, hầu hết anh em chỉ tòan kể nhau về xe tăng, máy bay, súng ống, chúng tôi còn xé giấy tập vẽ hình “bắn nhau”. Đứa khác về khen lần đầu được vô phòng “máy lạnh” đã quá ! [18]

Trong trường thỉnh thỏang có bán báo Thiếu niên Tiền phong. Tôi không có tiền để mua đọc thử cho biết. Hơn nữa ở nhà còn nhiều sách cũ dành cho thiếu nhi. Thằng bạn kế nhà cũng có khá nhiều sách. Khi rảnh tôi hay chạy qua nhà nó mượn sách về đọc.

Ở bên ngoài nhà sách Kim Đồng mở khắp nơi. Trong khi “sách cũ” bị cấm bán kể cả sách thiếu nhi như Spirou, Luky Luke, Johan & Pirlouit, Asterix, Schtroumpfs.. Mà tôi lại rất mê mấy thứ đó.

Báo cho thanh thiếu niên tiếng Việt trước đây, tuy bị đình bản,  vẫn có thể tìm mượn để đọc: Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, hay lọai sách Hoa Đỏ, Hoa Tím.. Tôi chưa “hạp” nên ít đọc. Riêng báo Thiếu Nhi của ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, tôi may mắn được đọc trọn bộ. Tới ngày nay tôi vẫn còn đánh giá cao bộ sách này vì tính giáo dục cao cùng với nhiều kiến thức bổ ích mà ngày nay ít ai thèm biết tới.

Vài lần nhà trường tổ chức đi coi phim, ai đi coi thì đóng tiền: Aladdin và cây đèn thần, Em bé tìm cha.. chủ yếu là phim Liên Xô. (chưa có chuyện ép buộc mua vé xem để được điểm thi đua phong trào, tuy nhiên, vẫn nghe nhiều người than phiền là tại vài lớp, nếu ai không đóngtiền mua vé xem phim thì cũng nên đóng tiền đó để mua ủng hộ cái gì đó cho phong trào). Trong truyền hình thì phim ảnh, tài liệu của Liên Xô cũng chiếm đa số. [19]

Lần duy nhứt, nhà trường thuê thợ chụp hình chụp từng lớp trong năm, học sinh ai có nhu cầu đăng ký đóng tiền để được một tấm hình chụp chung với lớp về làm kỷ niệm.

Trường có treo một tấm bảng giữa sân, để ghi ­tên tuyên dương những ai có thành tích tìm lại của rơi đem lên văn phòng để gởi trả lại cho người bị mất. tôi được nêu tên một lần.

Phong trào thi đua văn nghệ đầu tiên của trường tôi được xem, thấy một đứa lớp trên lên sân khấu hát một bài hát lải nhải riết mấy câu “ thằng giặc Mỹ.. thằng giặc Mỹ…”  Bài khá ngắn. Sau này, thằng bạn có chép tập lời nhạc và cho tôi mượn xem thì mới biết bài hát như vầy:

Thằng giặc Mỹ nó khoe tài múa mép, rằng hạng nhất máy bay thần sấm sét, các cô chú dân quân ta chiến đấu đêm ngày, cho chúng nó tan thây chúng hóa thành đất sét.

Thằng giặc Mỹ nó khoe tài múa mép, rằng hạng nhất máy bay thần sấm sét, các cô chú dân quân ta chiến đấu đêm ngày, cho chúng nó tan thây, chúng la hét đêm ngày.”

Ngòai ra còn bài “Em bé giải phóng quân” cũng có nội dung “giết Mỹ”:

Trăng thu chiếu sáng trên dòng sông ,
Rộn ràng tiếng trống khua mừng công
Đêm qua giải phóng quân vượt sông
Đồn giặc cháy xác phơi đầy đồng
Bộ đội ơi cho bé em theo
đừng cười chê em bé tí teo
vác súng trên vai theo bước quân hành
nhằm đầu giặc Mỹ súng em pằng pằng
Ba em đã đánh tan giặc tây
giờ này em cũng đi diệt Mỹ
Xe tăng với máy bay vào đây
mặc kệ chúng bé em sợ gì
Bộ đội ơi em nói anh nghe
Rằng ngày đêm em vót chông tre
Giúp mấy anh du kích giữ làng
Vậy mà má bảo em là xoàng.
Mai đây bé lớn lên bằng anh
Đầu đội chiếc nón nan màu xanh
Trên vai vác súng theo đoàn quân
Tạm biệt má, má ơi đừng buồn
Vì hằng đêm nghe má ru con
Rằng ngày sau con giống ba con
Giống ba con chiến đấu can trường
Là người chiến sĩ giải phóng quân huy hoàng.

Chưa kể vô số các bài hát chủ đề “chiến đấu”: Vàm Cỏ Đông,  Hành khúc ngày và đêm, Tiếng chày trên Sóc Bombo.. rồi nhạc chế “phản động tuyên truyền” phát sinh làm “chết” luôn nội dung bản nhạc gốc. Bài “Tình đất đỏ miền Đông” bị lảnh đủ trước  [20] (Ai đã từng trải qua thời kỳ sái hàm vì ăn độn bo bo, mì sợi thời khó khăn mới thấm hiểu nổi ý nghĩa bài này) sau đó tới phiên các bài Nhạc rừng, Quê em, Cô gái vót chông,… lần lần cũng không tránh khỏi bị “mắm muối cải biên” theo cảm hứng thời cuộc.

Khỏang 1982-1983, báo Khăn Quàng Đỏ có đang một bài thơ chỉ trích việc này như sau (Chỉ nhớ một đọan):

Bài ca đang lúc ngọt ngào

Mà sao ai lại nỡ nào sửa đi

Cúc cu” lại hóa “tắc-xi”

“Chiến trường” lại hóa thành “đi chăn bò”

Thật là trơ trẽn, tẽn tò,

Vô duyên, lố bịch một trò không hay…” (quên đọan sau)

Dù sao dòng nhạc chế này còn có tính nghệ thuật, ý nghĩa sâu sắc.Trong khi dòng nhạc chế sau năm 2000 lại quá “dơ”, không ý nghĩa gì ráo. Quả là một trời một vực.

Nhà trường có tổ chức cho từng lớp thi đua làm báo tường trong mỗi dịp gần tới các ngày lễ hay phong trào. Tôi không có ý tưởng trong hạng mục này nên suốt 12 năm học chưa bao giờ thèm dính tới. Cũng chính vì vậy mà không có gì để viết kể lại.

Phong trào “kế họach nhỏ” gom giấy vụn, hủ chao cũ, trồng cây cho vườn trường.. ngày càng lan rộng. Chúng tôi có nộp cả gạch để xếp chồng lên làm bồn hoa vườn sinh vật cho từng lớp (tại mỗi gốc cây).  [21]

Các danh hiệu chiến sĩ, dũng sĩ kế họach nhỏ… được phong tặng khắp nơi. Nó kéo dài cho đến năm 85 khi mà nền kinh tế “quan liêu bao cấp” cáo chung, chuyển sang “hạch toán kinh tế” (hay bị xuyên tạc là làm kinh tế tính toán như “hạch” !).  [22] Nhứt là khi học sinh phải đóng học phí cùng với các phí đổ rác, phí vệ sinh trường lớp, phí hao mòn cơ sở vật chất.. thì coi như đồng tiền đã công khai xóa số mấy thứ kế họach nhỏ trên.

Giờ chơi, bên cạnh nơi bán đồ ăn vặt, nhà trường cũng có để thùng “phin” nước cho học sinh uống miễn phí, có điều học sinh quá đông, chen chúc nhau giành uống  nên nước cung cấp không bao giờ đủ.

Tôi thấy nhà trường có một sáng kiến đặc sắc mà tới nay chưa thấy trường nào bắt chước áp dụng:

Trước khi giờ chơi kết thúc vài ba phút (khi ấy giờ chơi kéo dài khỏang 60 phút), có một hồi chuông thật ngắn để các học sinh chuẩn bị dừng chơi, rửa tay chân, sửa sang lại áo quần. Sau đó sẽ là một hồi chuông dài kết thúc hẵn giờ chơi. Ít ra như vậy khi vô học thì học sinh cũng đã sửa sọan áo quần tươm tất trở lại ít nhiều.

Trong trường còn nuôi mấy chuồng thỏ. Thay vì nộp giấy, chúng tôi có thể đem rau muống vô để nuôi thỏ. Việc này làm chúng tôi thích thú trong giờ chơi. Chỉ buồn khi năm sau vào học, bầy thỏ không còn nữa.

Gần cuối năm, nhà trường tổ chức mượn sách về nhà đọc. Mổi lớp nhận một số sách rồi từng ai nấy có thể chọn một cuốn đem về nhà đọc, vài ngày sau đọc xong thì đem đổi với các bạn cùng tổ để đọc tiếp. Tuy sách đọc phù hợp với mình không có bao nhiêu nhưng ít ra thấy trường có tạo điều kiện cho học trò có sách đọc giải trí.

Sau khi thi học kỳ xong, học trò trong lớp tự ý nghỉ lai rai dần. Việc học chỉ là cho có lệ.

Một câu chuyện,  trong buổi học cuối năm, do một thầy thay thế cô chủ nhiệm kể trong ít phút nghỉ giải lao (thầy vừa vẽ hình để minh họa thêm): Anh bộ đội đi ngang qua tháp canh của thằng Mỹ. Thằng Mỹ bắn súng “tạch, tạch, tạch..” khiến anh phải núp tránh đạn ở gốc cây không thể đi tiếp. Một bà má thấy vậy, chạy đến ngoắc anh theo bà đi vô nhà của bà gần đó để lên lầu cao nhắm bắn chết thằng Mỹ. Thế là nhờ bà má mà anh có thể tiếp tục lên đường(!) – thế là hết chuyện !

 

Lớp 3 (1977-1978)

Tôi học lớp 3/7 buổi chiều. Cô chủ nhiệm hình như la cô Kh. (tôi không nhớ chắc).

Đây là thời gian đi học đen tối của tôi với kết quả học tệ hại nhứt trong 12 năm đi học.

Môn Toán với các quy tắc dài dòng khiến mình luôn tính toán lộn, ăn điểm xấu 1,2,3 thường xuyên. (nếu tính nhẩm thì xong từ lâu, chẳng cần quy tắc, vừa nhanh và chính xác). Nội dung toán đố vẫn lòng vòng hình ảnh giết giặc, khẩu hiệu, thi đua..

Tôi ăn điểm xấu tới mức báo động cùng với hơn 10 anh em khác. Khiến cô giáo yêu cầu ở lại sau giờ học để cô dạy phụ đạo. Tôi né không học viện lý do ba tôi đã dạy kèm tôi thêm. Cô không kiếm chuyện bắt đóng tiền học thêm như ngày nay.  [23]

Cô giáo vốn khó tính, lúc đi vắng hay cắt cử một trò nữ lên bảng để ghi tên những ai làm ồn. Anh nào xấu số bị ghi tên sẽ bị cô về cho ăn roi rụng tay. Đám con trai không ai thóat cực hình này.

Trong trường, thay vì dùng giám thị canh chừng, từng lớp được ban giám hiệu phân công làm “Trật tự” (có trường khác gọi là đám Sao đỏ) theo mỗi tuần (hay mỗi ngày tùy trường), để canh chừng ghi tên các học sinh vi phạm nội quy. Lủ “Trật tự con nít” này mới được tý quyền đầu đời, tha hồ hách dịch, coi người khác không ra gì. Đám học trò kia thì cũng chẳng tuân phục và tha hồ vi phạm. Cảnh rượt bắt nhau chạy vòng vòng ở trường như cơm bữa. Việc này riết không đi tới đâu như một trò hề. Tuy nhiên, nó được duy trì trong gần suốt 12 năm tôi đi học và cảm thấy nó gây chia rẽ kiểu “phân hóa nội bộ” học sinh là chính.

Môn thủ công, hay tập viết vẫn giống như năm lớp 2 với các chữ, ngày của những anh hùng, sự kiện “lạ hoắc” với đám con nít chưa đầy 10 tuổi !

Giờ tập thể dục giữa giờ tôi nhận thấy có những bài rập khuôn với các trường khác (do coi trên truyền hình mới biết) và nó không đổi đến khi tôi học hết lớp 9 ! Nhớ là có mấy động tác sau: Cổ, tay, chân, lưng bụng, xoay. Mỗi động tác là 2 lần 8 nhịp. Đặc biệt có động tác sau cùng: khi xoay một tay chống nạnh, xoay người ra sau, tay kia đưa thẳng ra sau lưng như xòe tay xin tiền người phía sau. Tại vậy chúng tôi gọi động tác “xin tiền” là vậy đó.

Vẫn luôn có các bài tập đọc “không bao giờ quên”, thậm chí có phần hấp dẫn với đám con nít chúng tôi. Chủ yếu là đọc giải trí. Hay dở, thiệt giả thế nào chưa cần biết. Tôi còn nhớ nhiều bài:

–      “Có một mùa đông” kể chuyện Bác Hồ sống bên Anh làm nghề cào tuyết cóng cả đôi tay. Ở Paris thì ban ngày trước khi đi làm Bác gởi cục gạch trong bếp lò bà chủ nhà. Tối về Bác gói cục gạch trong tờ báo đặt dưới giường nằm cho đỡ lạnh.

–      “ Đốt cháy tàu giặc”: chuyện ông Nguyễn Trung Trực tổ chức giả đòan ghe đám cưới để đánh chìm tàu Pháp.

–      “Má Năm”: má Năm cho anh bộ đội ôm đại liên núp dưới bộ ván, má mời bọn giặc vào ăn dưa hấu, “…bọn chúng chẳng đợi má mời. Bất ngờ, má Năm hô “bắn”, lọat đạn nổ vang, bọn giặc chết sạch không còn một tên”. Sách vẽ hình má Năm ngồi trên bộ ván, giơ tay ra lệnh bắn, quân giặc đứng bên bộ ván gục chết la liệt trước khẩu đại liên của anh bộ đội núp dưới bộ ván đang khạc đạn xối xả [24] kiểu “à bout portant” (tầm bắn cận)

–      “Ong đánh Mỹ” được viết theo version khác: tổ ong vò vẽ được lén đặt gần đồn giặc, vì tên lính gác chọc lưỡi lê vào tổ ong, ong vở tổ bay ra đánh tan tác cả đồn giặc.

–      “ Còn nói được còn chiến đấu” nói về anh bộ đội bị thương cụt cả 2 tay, nhất định chiến đấu tới cùng.

–     Anh Nguyễn Văn Trỗi ra pháp trường, hô to khẩu hiệu, tay giật phắc mảnh băng đen bịt mắt.  [25]

–      “Hòn đất tổ quốc” kể chuyện Bác Hồ khi bước chân về nước qua biên giới Trung-Việt, Bác ôm hôn hòn đất và hòn đất này được lưu giữ trong bảo tàng đến ngày nay.

–      “Bức ảnh quý”: ông già làng khoe tấm hình Bác được giấu kỹ, chỉ khi nào mệt quá thì lén lấy ra nhìn tý cho khỏe, khi giải phóng rồi thì tha hồ lấy ra “ nhìn cho sướng con mắt, cho vui cái bụng”.

–      “ Anh hùng Núp bắn Pháp”: kể chuyện anh Núp ở Tây Nguyên phục kích bắn tên lính Pháp bằng cung tên.

–      “ Tiếng mìn anh Nguyển Văn Bé” đã tiêu diệt vô số quân địch.

–      “Chị Mạc Thị Bưởi”: kể chuyện chị Bưởi làm giao liên.

–      “ Bẫy đá của anh hùng Bi Năng Tắc”: anh Bi Năng Tắc phục kích giết giặc bằng trận địa bẫy đá của mình.

–      “Lấy thân mình làm giá súng” (chuyện Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng và hy sinh)

–      “ Giải phóng quân biết bắn chứ không biết đầu hàng”: anh giải phóng khi bị bao vây gọi hàng đã la lớn câu nói trên và bắn viên đạn cuối cùng trước khi bị địch giết.

–      “Đốt thẻ quân dịch..” (Tôi không nhớ chính xác tựa) nói về anh lính Mỹ đốt thẻ quân dịch, thà ngồi tù chứ không theo quân xâm lược vào Việt Nam. [26]

–      “Chiếc vòng bạc”: kể chuyện em bé miền núi xin Bác Hồ chiếc vòng bạc. Sau nhiều năm Bác vẫn giữ lời hứa và gọi em đến để tặng vòng.

–      “ Cái gì quý nhất ?”: kể lại mấy bạn tranh cãi xem vàng, thì giờ, sức khỏe.. cái nào quý nhất; thầy giáo phân xử và kết luận sức: lao động là quý nhất. [27]

–      “Chiếc đèn đom đóm”: Ông Mạc Đỉnh Chi có sáng kiến bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng để làm đèn học bài buổi tối.

–     Chuyện “thằng ăn trộm”: một em đã phát hiện tên gián điệp giả bộ đội vì tên này đã trêu em bằng câu: “Chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng ăn trộm thò tay bắy chuồn”. Lý do là : anh bộ đội không bao giờ nói câu như thế (!)

–           “Đường làng”:

Ngày ngày em đến trường
Đi trên con đường làng,
Hai bên cỏ xanh mượt
Giữa đất đỏ mịn màng.
Đường mềm như dải lụa,
Uốn mình dưới cây xanh
Men theo đôi bờ đá
Vòng gốc đa sân đình.
Từ lâu đường cùng em
Đã nên đôi bạn hiền,
Em yêu đường xinh đẹp
Đường vui đón bước quen.

–     Có nhiều chuyện cổ tích khác thú vị: chiếc búa vàng, cô bé ngoan, con voi bay..

–     Các bài như “tai, “mắt’, “da”: dạy học sinh biết giử vệ sinh và phòng ngừa bệnh, tai nạn.

–     Bài có chủ đề địa lý: “Đồng bằng Long An” : “Đồng bằng Long An được chia làm 3 vùng rõ rệt:  miệt Sông, miệt Giồng và miệt Bưng…”

Còn nhiều bài khác có nội dung tương tự nhưng vì không thể nhớ hết, một phần cũng không đặc trưng như những bài vừa kể trên.

Lần thứ  nhì trong đời, tôi lãnh tiếp con số 0 điểm ca hát. Buổi đó thi chấm điểm với bài hát tự chọn. Thằng bạn Ng.H.Ph. lên hát bài “Bé bé bằng bông” với lời..nhạc chế tỉnh queo: “Bé bé bằng bông, hai má bằng đồng, cái chân bằng sắt, cái chân bằng chì..”  [28] Cả lớp cười rộ lên. Cô quê quá đuổi nó xuống, 0 điểm ! Tới phiên tôi, vì mãi cười sằng sặc nên sơ ý bước lọt chân vô kẽ giữa 2 bục giảng, chân rút hoài không lên! Cả lớp được nước cười tiếp. Tôi cũng cười hoài không hát được. Tiếng cười cả lớp càng dữ nên cô bực quá đuổi tôi về với con zero y như đứa trước! Số tôi không hạp với trò ca hát.

Bấy giờ có việc kiểm kê nhà trong phong trào “cải tạo tư sản”, vào lớp nghe cô dặn dò: các em đừng nghe bọn xấu phao tin đồn nhảm có kiểm kê nhà.. Cả lớp đồng thanh nói: “ Có đó cô, có đó cô!”  Cô hỏi: “Vậy có nhà em nào bị kiểm kê không mà nói vậy ?” Một đứa giơ tay phát biểu:  “Có cô! Nhà em. Có mấy người tới xét nhà rồi lấy một mớ đồ đem đi…” Cô không nói gì tiếp…

Lúc này giá giấy, nylon bán ve chai khá cao. Ai cũng tranh nhau thu về phần mình để hưởng lợi. Thậm chí tìm sợi dây thun cũng khó. Do đó nghe tới kế họach nhỏ là chúng tôi thấy khó khăn thu gom giấy lần lần. Ngày nộp giấy, đi học đứa nào cũng ôm một bịch giấy kè kè theo mình mang vô lớp. Do đó, bài Rico Vacilon được chế như sau: “.. Bao nylon, một ký bán được 10 đồng…” là lý do trên.

Tất nhiên sắt thép vụn cũng bị khan hiếm như mọi thứ khác. Đến nỗi vào đầu thập niên 80, có tình trạng ăn cắp nắp cống bê tông cũng đục bê tông chân cầu để lấy thép.

Giữa năm học, có tin đồn lấy máu học sinh ở trường để hiến máu cho bộ đội. Nhiều phụ huynh lo sợ và cho con mình tạm nghỉ học mấy ngày. Chuyện thiệt giả thế nào không biết, nhưng khi vô lớp, cô luôn khuyên “cảnh giác trước tin đồn thất thiệt”. Tất cả lời nói của cô chạy qua lỗ tai bên kia của chúng tôi.

Trường mở phong trào viết thư, gởi quà cho các anh bộ đội.. nhưng lớp tôi không thấy hưởng ứng, một phần tôi viết thơ cũng chưa trôi nên không viết. Cô chỉ thông báo qua và cũng có ý không ép.

Lớp chúng tôi được một buổi học đạo đức, nghe xong sau đó là viết bài làm liền để chấm điểm. Một cô giáo nào đó vô lớp giảng về “tàn dư chế độ cũ” gồm các thành phần: ăn bám xã hội, đầu cơ tích trữ, sống xa hoa đồi trụy.. Và nói về nhiệm vụ phải xóa bỏ chúng đi trong cuộc sống mới. Chúng tôi nghe qua một hồi và phải viết bài lại như một hình thức bài thu họach. Thì viết thì cứ viết cho hết giờ.  Nhớ ghi tới đâu hay tới đó chứ không hiểu bao nhiêu. Đây coi như một khóa chính trị cấp tốc đầu tiên cho chúng tôi.

Cũng một lần, khi ba tôi chở tới trường, thấy trường vắng teo, trường đóng cửa. Bà bán cóc ổi trước trường thấy vậy mới nói là do thầy cô phải đi học chính trị nên trường không dạy bửa nay. Nghe được nghỉ, mừng quá !

Kỳ sinh hoạt hè năm đó, tôi nhớ chỉ đi chừng 2,3 buổi rồi thôi luôn. Tuy nhiên mấy bửa sinh họat chỉ có hát mấy bài hát thiếu nhi và tập sơ sịa ít nghi thức đội cho biết, chưa nếm mùi “sol đố mì”. Có đi lao động quét dọn tổ dân phố một lần.

Ban đầu lõm bõm lấy báo ra đọc xem chương trình truyền hình để tranh thủ coi phim vào lúc tối 8 giờ. Về sau tôi thử đọc các dòng tít thời sự và để ý các báo cáo tăng năng suất 100%, 200% liên tục, cũng như các thành tích hòan thành kế họach trước 15 ngày, 28 ngày.. Nói chung tất cả thông tin đều lạc quan. Tin vụ án giết người, gần như không thấy đăng. Tội phạm kinh tế, tham nhũng càng không có ngọai trừ tội “ăn cắp hay phá họai tài sản XHCN” được xem là rất nặng, mà ngày nay ít thấy nhắc tới.

Tôi cũng bắt đầu làm quen đọc sách “nhiều chữ” với bộ “Kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”.

Lớp 4 (1978-1979)

Hết kỳ nghỉ hè năm 1978, vì trường Lê Quý Đôn giải thể cấp 1,2 , tôi phải chuyển sang ngôi trường nhỏ cấp 1 Trần Quý Cáp gần đó. [29] Trường này có cái hay hơn trường cũ một chổ là khi tan học, trường phân công nhóm học sinh trực đứng căng dây ngang đường cho học sinh băng qua an tòan, đống thời khi sắp hàng ra khỏi trường, học sinh được hướng dẫn ra theo 3 luồng: đi bộ sang trái, băng qua đường, đi bộ sang phải.

Tôi học lớp 4C buổi chiều. Thầy C. chủ nhiệm.

Tôi biết thế nào là “trực lớp”: làm vệ sinh lớp trước giờ học theo phân công. Cũng vui. Chưa đến nỗi cực nhọc. Chỉ chịu khó đi sớm.

Phong trào đóng góp sách cho thư viện trường khiến tôi phải “hy sinh” một cuốn sách vừa được tặng trước đó.

Quen được mấy đứa chơi hạp nhau nên chúng tôi hay nói chuyện trong lớp, bị thầy bắt phạt đứng góc lớp hay đứng lên tại chổ là thường.

Hàng tuần, sau lúc chào cờ, nhà trường hay báo cáo tình hình tuần trước và xếp hạng thi đua các lớp trong tuần vừa qua. Tất nhiên lớp tôi luôn đội sổ. Sang năm sau cũng không khá hơn.

Nhà trường thường răn đe cảnh cáo nhiều nhóm học sinh câu trộm cá phi tại hồ Con Rùa (có lẽ câu vể để ..ăn vì trong hòan cảnh thiếu lương thực). Tôi thỉnh thỏang được tụi bạn tặng ít con về nhà nuôi chơi.

Tôi bắt đầu biết viết kiểm điểm do có lần không nghe kẻng để ra xếp hàng. (Chuông hư, tiếng kẻng lại quá nhỏ mà lớp tôi ở khuất). Bản tự kiểm cứ viết: Thưa thầy. Hồi nãy, Em có lỗi do không xếp hàng nên em xin lỗi thầy em sẽ không làm như vậy nữa, cám ơn thầy… (ký tên) là xong !

Có lần tôi nổi hứng quậy như sau: sau giờ tập thể dục giữa giờ (lấy trống làm nhịp tập)  trước lúc ra chơi, khi nghe hai tiếng trống kết thúc, tất cả học sinh phải hô “khỏe” rồi tan hàng. Bửa đó tiếng “khỏe” hô quá nhỏ, Tôi hô “yếu” thiệt lớn, cả trường cười vang, khi tan hàng, không ai biết thủ phạm ! Thóat viết tự kiểm.

Tự nhiên sức học tôi khá hơn hẳn. Lần đầu được đứng hạng 8, rồi hạng 4, cuối cùng giữ hạng 3 cho tới hết năm.

Môn toán tôi thành công hơn cả. Có thể là mình có khả năng học thuộc từng quy tắc toán ? Biết rằng tôi được điểm toán tối đa rất dễ dàng. Tôi chỉ một lần không thuộc cửu chương và một lần lọng cọng khi đọc không hiểu chử “một trăm linh năm” là số mấy. Nếu ghi là “lẻ năm” thì không gì để nói.

Các bài tập đoán đố vẫn rập khuôn chủ đề “giết giặc – thi đua – tuyên truyền”.

Thầy khảo bài liên tục mỗi ngày, không sót một ai. Nên không ai dám lơi lỏng không thuộc bài.

Môn tập viết được phép dùng mực xanh thay vì mực tím nếu muốn. Viết máy được cho phép dùng dần dần trong giờ học. Tuy nhiên môn tập viết vẫn phải dùng ngòi viết mực chấm.

Làm thủ công vẫn không khác với lớp dưới bao nhiêu.

Trong lớp có dạy hát những bày hát: Cùng nhau đi Hồng binh, Lá xanh, Chiến sĩ Việt Nam,..  Lúc này, tôi học thuộc khá nhanh nên không bị ăn 0 điểm nữa. Tôi thích bài Chiến Sĩ Việt Nam hơn hết, đến giờ vẫn thấy hay. Sau này mới biết tác giả là Văn Cao.

Môn văn, đạo đức, Khoa-Sử-Địa  là những môn học mới, khá đơn giản, dể nhớ, gọi là thú vị.

Môn văn, ban đầu là văn kể chuyện tiếp theo đó là văn miêu tả. Chúng tôi học không khó khăn và không ghét văn như học sinh sau này, thậm chí còn thích thú.

Môn đạo đức được nghe đọc các bài, câu chuyện để làm nền tảng cho thể lọai văn kể chuyện. Tôi chỉ nhớ mấy bài: “Một ngày làm việc của Bác Hồ”, “Chuyện anh Trỗi” và “ Chị gái đảm đang” (viết về con gái lớn chị Út Tịch đảm đang lo việc nhà cho mẹ đi chiến đấu). [30]

Môn khoa-sử-địa khá dể hiểu, sách giáo khoa cô đọng không rườm rà  nên tôi thích học, không phải bị đôn đốc. Phần địa lý Việt Nam cũng được lồng vào qua các bài địa lý căn bản một cách có khoa học. [31]

Các bài tập đọc vẫn là những thứ phải kể hết, nhớ tới đâu kể tới đó, tất nhiên là những bài không quên, kề lại nhiều người cũng không hình dung được những gì mình học:

–          Bài (không nhớ tựa) kể lại chị Dôi-a cố gắng thức khuya giải bài toán khó, kiên quyết không chối chép lại bài của Su-ra, em mình.

–           “Lê-Nin đi học”: kể lại Lê-nin khi còn bé đã học hành xuất sắc hơn người, luôn được điểm 5 và thuộc bài ngay tại lớp.

–           “Dũng sĩ Điện Ngọc” kể chuyện anh Nghiêu với “vết thương cạc-bin thù trên má” bình tĩnh chờ xe tăng đến thật gần rồi bắn hạ làm “con thú Mỹ lồng lộn bốc cháy giữa đồng”.

–     Chuyện “Tuổi nhỏ diệt xe tăng”: Lai 8 tuổi, liệng thủ pháo vào xe tăng “nhưng nó vẫn chạy”, em rượt trèo lên xe tăng, bỏ trái thứ 2 vào lổ thông hơi nhưng bọn giặc hất ra ngoài, đến quả thứ ba cuối cùng, em phải dùng bụng lấp lổ thông hơi để nó không bị liệng ra. Xe tăng nổ tung, bọn địch bên trong chết sạch và em cũng hy sinh.  [32]

–           “Trời đành chịu thua”

Ngày xưa hạn hán cầu trời,
Ngày nay hạn hán thì người trị ngay.
Tri đêm rồi lại trị ngày,
Cho tên giặc hạn biết tay của người.
Vừa làm vừa thách cả Trời ,
Có muốn tắm mát thì mời xuống đây.
Nước kia ở dưới đất nầy,
Đào sâu vét kỹ nước đầy mương ao.
Thách trời cứ hạn nữa nào,
Đồng ta đủ nước hoa màu vẫn xanh.
Chiều chiều nghe tiếng phát thanh,
Người chăm thủy lợi Trời đành chịu thua.

–      “ Sài Gòn vừa thiếu vừa dư”:

Sài gòn vừa thiếu, vừa dư,

Thiếu, dư lắm thứ quá ư ngược đời !

Thiếu nước uống, dư rượu mùi,

Thiếu nhà để ở, dư nơi cầm tù.

Gạo từng nức tiếng là dư,

Mà nay lại thiếu ai ngờ được chăng !

Dân nghèo thiếu chổ làm ăn,

Lại dư tiệm hút, hộp đêm, sòng bài…

Thiếu trường học, dư cao bồi,

Dư phim dư sách suy đồi, lố lăng.

Lao động thiếu mặc, thiếu ăn,

Lại dư vũ khí sỉ quan Huê kỳ…

Nhân dân dù có thiếu gì,

Vẫn còn dư sức kiên trì đấu tranh. [33]

–      “Bà cụ chỉ huy”: bà cụ Yến, bề ngoài tuy lẩm cẩm nhưng còn biết chỉ huy ra hiệu bộ đội nằm phục kích giết giặc.

–           “ Dân ta anh hùng”:

Dân ta gan dạ anh hùng:
Trẻ làm đuốc sống, già xông lửa đồn.
Chân toạc máu, chân dồn đuổi giặc,
Tay chém thù, tay sắc như gươm!
Củ khoai, củ sắn thay cơm,
Khoai bùi trong dạ, sắn thơm trong lòng.
Hớp ngụm nước suối trong dỡ khát,
Trông trời cao mà mát tâm can!
Chín năm nắng núi mưa ngàn,
Nắng mưa có Đảng, cơ hàn có nhau.
Nhớ những lúc hầm sâu địch hậu,
Nhớ những đêm theo dấu đường dây,
Giặc lùng, giặc quét, giặc vây,
Có dân, có Đảng đêm này vẫn vui.
Làng kháng chiến không lui một bước,
Nhổ sạch đồn cho nước ta yên,
Chín năm làm một Điện Biên,
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng!

–           “ Voi ơi”:

Voi ơi, ta bảo voi này
Voi đi chiến dịch có mày có ta,
Đèo cao ta vác voi qua
Sông sâu ta bắc cầu phà voi sang.
Ngày ta kết lá nguỵ trang
Đêm ta đốt đuốc soi đàng voi đi
Dù cho sắt nặng vai tê
Ta đây, voi đấy chẳng hề quản công.
Dù cho ta có đói lòng
Sọt này vẫn đủ đạn đồng nuôi voi
Voi ra giữa trận hếch vòi
Đồn thù sụp đổ, voi cười ta reo.
Bõ khi lên dốc, xuống đèo
Bõ công tập luyện bấy nhiêu tháng ngày
Voi ơi ta bảo voi này
Voi đi chiến dịch cả bầy theo ta …


–           “Trồng cây nhớ Bác”

Mùa xuân năm ấy,

Bác dạy trồng cây,

Em làm theo ngay,

Trồng cây cam nhỏ.

Mùa xuân năm nay,,

Bác không còn nữa

Em trồng trước cửa,

Một cây, hai cây..

Chiều chiều ra đây,

Tưới cây nhớ Bác,

Cây non đỏ mắt,

Thương Bác không còn,

Cây ơi hãy lớn,

Nhiều lá tươi xanh,

Cây thương nhớ Bác,

Mọc nhanh, mọc nhanh..

 

–           “ Hòn đá to”

Hòn đá to
Hòn đá nặng
Chỉ một người
Nhấc không đặng
Hòn đá nặng
Hòn đá bền
Chỉ ít người
Nhấc không lên
Hòn đá to
Hòn đá nặng
Nhiều người nhấc
Nhấc lên đặng
Biết đồng sức
Biết đồng lòng
Việc gì khó
Cũng làm xong.

 

–           “Tổ Quốc em”

Tổ quốc em đẹp lắm
Cong cong hình lưỡi liềm
Trên – núi cao trùng điệp
Dưới – biển sóng mông mênh.
Những cánh đồng phì nhiêu
Nằm phơi mình ở giữa
Những con sông xanh hồng
Uốn quanh trăm dải lụa
Tổ quốc em giàu lắm
Đồng ruộng – vựa thóc thơm
Biển bạc – đặc cá tôm
Rừng vàng – đầy quặng quý
Ôi! Việt Nam! Việt Nam!
Tổ quốc bao thân mến
Yêu từng khóm tre làng
Từng con đò vào bến.
Càng yêu thêm sông núi
Sinh ra những anh hùng
Xưa – Quang Trung, Lê Lợi
Nay – Bác Hồ, Bác Tôn…
Trên mỗi mỗi ngả đường
Em như nghe tiếng hát
Bao nhiêu giặc xâm lăng
Đến đây đều ngã gục
Trước – Bạch Đằng, Đống Đa,
Giờ – Điện Biên, ấp Bắc…
Em căm thù giặc Mỹ
Ngăn nước em làm đôi
Em ước thành Phù Đổng
Trừ sạch bọn giết người
Nhưng Bác Hồ bảo rồi
“Nước Việt Nam là một”
Các bạn miền Nam ơi!
Nước mình rồi thống nhất
Em không nói ai biết
Nhưng em sướng vô cùng
Em là công dân nhỏ
Nước Việt Nam anh hùng!

 

–      “Cấy đêm” : hoạt động cấy đêm trong thời chiến, chỉ nhớ một câu: Bến Tre bắn xuống, Mỏ Cày bắn qua”.

–           “Gói đất miền Nam”: bà mẹ dặn dò nhờ con đem gói đất miền Nam đi ra Bắc tặng cụ Hồ.

–      “ Thằng Mỹ ngu”: thằng Mỹ, cậy có đôi giày chống chông chính hiệu Huê Kỳ, nghênh ngang đi vô vườn hái trái cây bị té hầm chông lòi ruột chết. “Đáng đời thằng Mỹ ngu bày đặt làm tàng. “ (nguyên văn).

–      “Không sợ Mỹ”: Xuyến hiên ngang đứng thẳng người không sợ “thằng Mỹ to lớn kềnh càng” dùng dao đâm chảy máu cổ khi tra khảo bắt em chỉ điểm “hầm Xi-xi”. “Đừng sợ. Mình càng sợ, nó càng làm già” (Nguyên văn)

–     Chuyện chị Lê Thị Hồng Gấm bắn máy bay Mỹ rồi trúng đạn hy sinh.

–      “Sau trận công đồn”: các chị du kích, sau khi hạ đồn giặc, khoe nhau chiến lợi phẩm.

–      “Chiến đấu đến cùng”: anh bộ đội bị thương nhưng vẫn một tay ôm súng chận đứng các cuộc tấn công địch.

–      “Đánh vào lòng địch”: đặc công bộ đội phá hủy kho bom Long Bình mặc dù bị địch phát hiện.

–      “Vùng lên”: bà con rủ nhau gậy gộc vùng lên chống bọn ác ôn.

–      “ Bắt giặc lái Mỹ”: em thiếu niên miền núi dẫn đầu buôn làng bắt sống phi công Mỹ vừa nhảy dù xuống rừng núi.

–           “Xem phim miền Bắc” (trích từ cuốn tiểu thuyết “ Gia đình má Bảy”).  [34]

–      “Câu đố mới”: các câu đố lục bát đố về nhân vật : Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi, Võ Thị Sáu,…

–           “Yến”, “Rừng vàng”, “Biển bạc”.. nói về tài nguyên vô tận của đất nước.

–          Chuyện cổ tích: anh nông dân và con cò, Con trâu của Trời, Nàng Nước, Ba hột đào…

Khỏang giữa năm, bắt đầu có cúp điện định kỳ từng khu và khi đó tất cả phải học bằng đèn dầu. Nhà nào khá hơn thì dùng đèn acquy. Nhiều dịch vụ “sạc bình” được mở ra. Có nhà nghèo, con cái phải ra học bài dưới đèn đường. Mấy bữa cúp điện mà có phim hay làm thiên hạ bực tức, chửi rủa.

Năm 79, xổ số kiến thiết [35] được phép trở lại. Cuối năm, trước tổng kết học kỳ 2, nhà trường có tổ chức bán vé số cho tòan trường. Xồ số công khai vào buổi lể tổng kết học kỳ. Tôi có mua 1 vé. Kết quả xổ trật lấc.

Mùa nghỉ hè năm này khá yên ổn, không thấy bị quấy rầy vì đi sinh họat hè.

Tôi bắt đầu đi học violon với thầy Ng.Kh.C. Sau khi thầy đi Pháp, tôi theo học thầy Ng.Kh.H. đến hết năm 12 rồi nghỉ do mắc luyện thi. Quyển Kreutzer học giữa chừng… Anh L.L.S chỉ tôi tập thêm. Năm 1989, anh L.L.S đi Mỹ, mà tôi cũng bận bịu hết hứng tập nên..bỏ luôn. Nhờ tập đờn trong thời gian dài mà tôi học thuộc lòng khá nhanh và.. nhớ dai đủ thứ.

Lúc rãnh tôi hay qua nhà thằng bạn hàng xóm mượn mớ sách cũ còn sót lại đọc giải sầu. Có mượn cuốn tập đọc lớp Nhứt và đọc thuộc nhiều bài thơ khá hay (quên tên tác giả). Tôi ghi lại sợ.. mất uổng:

Thú Quê (Chỉ nhớ 2 câu đối cuối bài)

…Hóng gió trên cây khi hái quả,

Xem trăng dưới nước lúc buông câu.

Về đây (Chỉ nhớ 3 câu)

Anh về cho lúa thêm xanh,

Cho cây thêm trái cho cành thêm bông

Cà Mau, Cái Sắn mênh mông..

Dưới đáy biển

Sau khi mặc bình hơi và mặt nạ,

Cầm súng săn tôi hăm hở lặn đi

Êm như mơ vào thế giới lạ kỳ,

Xanh biêng biếc và lung linh trong suốt.

Cá đủ sắc muôn màu bơi lũ lượt,

Tô thêm màu cho những bụi cỏ cây.

Ôi, nghêu sò lăn lóc đó cùng đây,

Quên săn cá tôi trườn theo cảnh lạ…

Nên chăm học

Ta xem bao nhiêu người

Dở dang hư một đời

Nào phải tư chất kém

Bởi xưa không học, lười.

Tư chất ai không tốt

Học lười ai cũng dốt

Thông minh chưa chắc hay

Siêng năng là sự cốt.

Dân nghèo đói bụng nằm mơ

Dân nghèo đói bụng nằm mơ,

Bộ tiêu hóa giận mắng vơ tuần hòan

“Anh chỉ việc nuôi thân mà ẩu,

Để xanh xao xương xẩu thế này”..

Dân nghèo: “Oan nó lắm thay !

Muối dưa bỏ dạ chưa đầy, bổ chi.”

Khỏi lo tiền chợ

Có anh chàng nuôi gà bán trứng,

Thời khó khăn, giá xuống ào ào,

Rẻ mà có khách mua nào

Đều đều gà đẻ làm sao bây giờ ?

Thôi ăn trứng khỏi lo tiền chợ

Luộc chán rồi thỉ dở nấu canh,

Xào rau cải, tráng, kho hành..

Vẫn dư bèn muối ăn dần về sau..

Chiếc áo rách

Ối trời ơi ! Ối đất ơi !

Cái áo sao mày rách tả tơi ?

Rách thời mặc vậy.

Nào dám sợ ai chê,

Nào dám sợ ai cười.

Chỉ sợ anh em chúng bạn,

Gần chán, xa quên chẳng đóai hoài.

Chiếc áo mới

Chiếc áo hàng bông đã rách rồi

Mẹ may chiếc áo mới đi thôi

Con xin gìn giữ không làm bẩn

Chỉ mặc vào trường chẳng mặc chơi.

Chiếc áo may xong đã mấy ngày

Vạt dài thườn thượt rông hai tay

Con nhìn chiếc áo buồn rơi lệ

Mẹ bảo: “Trừ hao kẻo chật ngay”.

Giữ gìn mắt

Khốn khó 2 bàn tay

Giàu sang 2 con mắt

Tục ngữ nói không sai

Nên phải giữa gìn mắt …(quên 1 đọan)..

…Ra nắng đeo kính râm

Bụi khỏi bay vào mắt.

Bán “khói” trả “keng”

Bên lề, một chị quay chim sẻ

Lão ăn mày vui vẻ lại xin

Bánh mì hơ khói bay lên

Ăn xong chị lại đòi tiền khói quay

Lão bình tĩnh ném ngay bạc cắc

Chị đưa tay toan nhặt lão ngăn:

Rằng “cô bán khói ta ăn,

Thì ta trả lại cô bằng tiếng “keng”.

Nhớ ơn tổ tiên

Cây kia ăn quả ai trồng ?

Sông kia uống nước hỏi giòng từ đâu ?

Cơ đồ gầy dựng bấy lâu,

Công lao tiên tổ lẽ đâu quên hòai.

Mộ phần gìn giữ hôm nay,

Những ngày lễ tết chẳng sai lệ thường.


–          Bài thơ ngụ ngôn “Hai con cá” không biết đọc từ sách tập đọc nào, tôi cho là rất hay:

Chú cá bé bên cha bơi lội,

Thấy miếng mồi trôi nổi giữa sông.

Kìa kìa cha hãy thử trông,

Của ngon vứt bỏ phí không hỡi trời !

Cá lớn đáp: “ con ơi, cẩn thận,

Kẻo để rồi ân hận về sau,

Cha trông thấy chiếc cần câu,

Sợi dây oan nghiệt trên đầu chúng ta.

Con nên biết tránh xa cạm bẫy,

Đừng tham ăn, chết đấy không chơi,

Của ngon là bả trên đời,

Vì tham ăn mới bao người chết oan”.

 

–          Bài thơ “Chiếc áo ấm”, đầy lòng nhân ái:


Miền Trung bị nạn lụt,

Người và của tiêu hao.

Em nghe mẹ khuyên bảo:

“Con nên giúp đồng bào”.

Em sọan chiếc áo ấm,

Vội vã gởi ra Trung.

Chiếc áo không đáng giá,

Gói gém trọn tình thương.

 

Tôi ấn tượng với cuốn “Quốc Sử” lớp Nhứt, lọai sách viện trợ của Mỹ cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH, bìa dày màu xanh lơ, vẽ hình bộ lư bên cạnh bản đồ Việt Nam. Các bài lịch sử ngắn gọn viết từ thời Tây Sơn đến 1963. Nội dung từng bài chỉ có những đọan gạch đầu dòng ngắn gọn với ý cốt lõi. Sau mổi bài có hàng chữ in đậm để tóm tắt đại ý, dể học, chẳng hạn như:

–     Bài “Quang Trung đại phá quân Thanh”: Binh kiêu căng dễ bị phá.

–     Bài “ Vua Gia Long – việc ngọai giao”: Chỉ biết Trung Hoa và không biết Tây phương, chính sách ngọai giao của vua Gia Long thiếu sáng suốt.

–     Bài “ Vua Minh Mạng – việc ngọai giao”: Lúc bấy giờ, nước Việt Nam rộng hơn cả. (Có minh họa bản đồ Việt Nam được mở rộng sang Lào và Cao Miên)

–     Bài “Biến động dưới triều Tự Đức”: quan tham lại nhũng, nghèo đói và thiên tai là mầm móng của loạn lạc.

–     Bài “Pháp uy hiếp kinh thành Huế”: quân ta thua trận do thiếu vũ khí tối tân.

–     Bài “ Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng”: Phan Đình Phùng càng được sùng bái bao nhiêu thì Nguyễn Thân càng đáng bị nguyển rủa bấy nhiêu.

–     Bài “ Khởi nghĩa Lạng Sơn”: đế quốc với đế quốc dễ bắt tay với nhau.

Thằng bạn hàng xóm tìm đâu đem về cuốn “Từ tuyến đầu Tổ quốc”. Đặc biệt có bài “ Thư Phú Yên” (Tôi còn nhớ là vì sau này trong một cuốn sách giảng văn có trích in). Có đoạn bà mẹ bị giặc bắt giử tới trưa mới thả về khiến đứa bé con ở nhà khát sữa quá nên bò đến con bò nằm gần đó để bú. Con bò bị sờ sọang nhột nên đá bé lăng quay. Bà con xúm lại để cứu nhưng đến trưa thì bé không còn nữa..

Có lẽ lý do này nên không thấy ma nào dám sáng tác chuyện “bò đánh giặc” vì bò vốn đã “phản bội” giết em bé phe ta (?!) [36]

Tôi có đọc quyển “tuổi nhỏ anh hùng” kể chuyện các anh hùng: Lý Tự Trọng, Lê Văn Tám, Phạm Ngọc Đa, Vừ A Dính, Võ Thị Sáu, Nguyễn Bá Ngọc..

Khi hết sách “con nít” để đọc, tôi cả cuốn “Lịch sách Tử Vi Tiền Phong năm Ất Mão” về nhà. Ban đầu coi tranh vui là chính. Sau tôi thử đọc qua phần” Những con số định mệnh” (numérologie), thấy hay hay rồi tiếp sang  “Coi chỉ tay”,.. dần dần đọc hết cuốn. Chuyện tình “ Cánh chim tung trời”  trong đó tôi cũng không tha.

Riết tôi rinh luôn bộ tạp chí “Khoa học huyền bí” của nhà nó mượn về đọc để rồi lớn lên thích nghiên cứu hồi nào không biết..

Tóm lại ban đầu là đọc đỡ buồn để rồi sau này đâm ghiền đọc..đủ thứ.

 

Lớp 5 (1979-1980)

Tôi học lớp 5B buổi chiều. Cô M. chủ nhiệm.

Đầu năm nhà trường có bán áo sơ mi trắng, ai có nhu cầu thì đăng ký và mỗi người được mua 2 cái. Áo vải, chất lượng trung bình nhưng xài được trọn năm.

Trong lớp đại đa số là con của cán bộ miền Bắc vô hay là con của dân tập kết trở về. Phần đông có bề ngoài cũng như phong cách khác xa với đám bạn học cũ.

Mặc dù chương trình dạy có một ít “tư tưởng” nhưng lớp tôi có anh Nh. luôn bị cô phàn nàn là “không có tư tưởng yêu nước, suốt ngày cứ mê đi ra nước ngòai”. Chưa hết, Nh. lâu lâu còn đem chuyện tranh thiếu nhi lọai bande dessinée “thời ngụy” đem vô cho anh em coi. Quậy quá cỡ lại không thèm học, cuối cùng Nh. bị đuổi và bị thông báo cho toàn trường biết trong một buổi chào cờ đầu tuần.

Tình trạng học trò méc thầy cô dù là chuyện nhỏ đã làm gây chia rẽ không ít. Tôi đã nói câu “Đèn nhà ai nấy tỏ” để khẳng định sự riêng tư, không thích người khác dòm ngó mình quá đáng. Từ đó tụi bạn buộc tội tôi “xa rời tập thể”, “mất đòan kết”,  rồi hăm méc cô, đòi bắt kiểm điểm đủ thứ. Việc này dai dẳng cả một hai tuần. Tôi không hiểu sao cái gì người ta có thể quy thành tội lỗi cũng được.  [37]

Tôi “sanh tật” hay đi lại lòng vòng trong lớp. Bị rầy hoài cũng vậy. Chưa kể có lần bất ngờ bị “đét đít” vì buồn miệng hát ngâm nga trong giờ học, hát lớn tiếng dần hồi nào không biết. Chưa kể lâu lâu tôi nổi hứng không chịu xếp hàng ra về mà ưa chạy thẳng luôn ra cổng. Có đứa mách lẻo nên tôi cũng bị răn đe một vài lần. Thậm chí một lần cô chủ nhiệm phải “kè” tôi khi xếp hàng ra về, sợ tôi trốn chạy tiếp.

Lớp tôi có một lần vô kỷ luật khiến cô chủ nhiệm nhốt không cho về. Khi phụ huynh đến rước nóng lòng vô tìm con thì bị cô mắng vốn trước khi thả con mình về. Ba tôi lần đó cũng bị nghe cô méc cái tật “ đi lòng vòng” của tôi. Nhiều anh em còn lại thì không biết số phận ra sao, vì có anh đi học về một mình. Kẹt ở lại như vậy chắc chết !

Môn thủ công làm tôi chán ngán. Các bài dạy may vá, thêu dành cho nữ quả là một cực hình với bọn con trai tuổi ưa chạy nhảy. Cô đã từng khuyên các anh em nên học để sau này có đi bộ đội thì cũng biết vá áo quần khỏi phải nhờ vả người khác (!) Bài đem về nhà để năn nỉ nhờ bà già làm giùm riết cũng thấy kỳ. Gặp bài làm lồng đèn, đóng tập sách.. thì nhờ ông già làm giùm.Lâu lâu thấy ghét quá, tôi bỏ không thèm nộp bài, để cuối tháng trong sổ liên lạc bị phê là “không làm bài thủ công” và tuột hạng.

Chưa hết, có đứa này thấy đứa kia làm đẹp hơn mình rồi ganh tỵ hay chơi xỏ lá méc cô là trò này nhờ ba má làm, trò kia nhờ bạn làm dùm.. Cuối cùng huề cả làng. Biết chắc cô giáo lúc đó còn chưa chắc làm được cho ra hồn nên chẳng  rầy ai được nên rồi cũng làm lơ.

Môn tập viết cũng như mọi năm trước. Tập chính tả có thêm mục “vở sạch chữ đẹp” hàng tháng. Tôi lãnh hạng C (kém do chữ xấu), ráng dữ lắm lết lên được B (trung bình) lúc cuối năm.

Môn Địa lý vô chi tiết hơn, chủ yếu là địa lý VN. Bài dài dần nhưng chưa đến nỗi khó học.[38] Sang học kỳ 2, có phần địa lý các nước. Chủ yếu cũng ca ngợi các nước XHCN anh em. Nhớ khỏang giữa năm, có một ngày cô chủ nhiệm nghỉ vì bịnh, cô L. lớp 5C bên cạnh “gánh luôn 2 lớp một lượt. Tới giờ địa lý, bài “Liên Xô”, Q. được kêu đứng lên đọc bài. Cả lớp cười ồ với giọng đọc nhanh đều đều như tụng kinh của Q. Cô L. bực tức và bực tức thêm khi nghe ai đó nói leo là “Liên Xô còn thua Mỹ”. Cô tuyên bố: “ Ai nói Mỹ hay thì giỏi mà theo nó”, rồi nào là nhờ  Liên Xô giúp mà miền Bắc giải phóng miền Nam. Và cô nói tiếp “Không có miền Bắc, miền Nam sẽ khổ… khổ lắm ! (?)” (nguyên văn cô L. nói). Cả lớp phải im lặng.

Môn Khoa học với những kiến thức căn bản. Tôi nhớ hai bài đầu năm có tính khẩu hiệu: “Ba sạch” và “Ba diệt”.

Bài đạo đức thì có nhớ được học bài kể về anh Nguyễn Ngọc Ký, bị liệt 2 tay, viết bằng chân; Cao Bá Quát luyện chữ. Nhà trường cũng có nêu gương anh Mạc Văn Sơn cõng bạn Khang đi học nhiều năm liền cho tất cả học sinh noi theo trong học tập.[39]

Trong sách đạo đức này có một bài dữ dằn nhứt: “ Chuyện Mỹ-Diệm ăn thịt người”:

Tôi có đến thôn T.D. trước đây ba năm, bọn Mỹ-Diệm kéo quân về thôn này bắt tất cả đàn ông từ 17 tuổi trở lên, được 350 người. Sau khi đánh đập tàn nhẫn, người thì bể đầu, người gẫy chân tay, chúng đẩy cả đòan người vô tội ấy xuống những đầm cạn trong một đám ruộng lầy. Chúng đem hai đôi trâu mắc vào hai cái bừa rồi bừa lên đầu đám người ấy. Máu loang ra lênh láng cả đám lầy. Những tiếng rú ghê hồn. Đến 12 giờ trưa, không một thân người nào còn nguyên vẹn nữa, mà đôi trâu cũng chết. đám ruộng đã thành một bể máu ! “Nhân vị” của bọn Mỹ-Diệm là thế đó”…

Ở một thôn trong huyện Tam Kỳ, bọn biệt kích kéo đến càn quét, bắn giết tàn sát thả cửa, rồi chúng bắt hai người đem chặt từng khúc nhỏ bỏ vô chảo ăn uống rượu ! Chúng còn bắt đồng bào ăn nữa, nếu ai không ăn là còn thương Việt cộng”…

(Trích từ “Từ tuyến đầu Tổ Quốc” trong đọan “Thư Quảng Nam”, trang 111-112, tập 2). [40]

Có tìm lại trên mạng được một bài này đã từng in trong quyển sách đạo đức, tôi  tìm lại được trên mạng và ghi lại cho anh em đọc qua để hình dung được một phần nội dung chương trình tôi đã học (trong quyển tập đọc lớp 3 cũng có một bài thơ khác gần giống mà tôi không tìm lại được nữa) :

Chuyện em..

Em tên là Nguyễn Văn Hoà
Mẹ em thì gọi em là cu Theo.

Cha đi tập kết nhà nghèo
Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con
Chị thì hái củ trên non
Em thì mưa nắng bãi cồn chăn trâu
Đêm nằm hỏi mẹ: Cha đầu?
Mẹ rằng: Mau lớn năm sau cha về…
Đợi hoài, đợi mãi, lâu ghê!
Làng trên xóm dưới, bốn bề ác ôn .


Mỹ xây luỹ, Nguỵ đóng đồn
Sáng vây xét hỏi, tối dồn khảo tra.

Mười năm biền biệt tin cha
Một đêm các chú đâu mà thiệt đông
Về làng, súng đạn đầy hông
Chú mô chú nấy mặt trông rất hiền.
Kể từ hôm đó, làng Yên
Bỗng vui như có ông tiên đến nhà.
Ruộng vườn chia lại trái hoa
Xóm thôn lập hội, trẻ già vần công
Mùa chiêm lúa chín vàng đồng
Bát cơm “giải phóng” no lòng từ nay
Mẹ em rạng mặt tươi mày
Em như mọc cánh chim bay tung trời…

Nằn nì xin mẹ: Mẹ ơi
Lên xanh chị đã đi rồi, còn con?

Mẹ ôm em, mẹ cười giòn:
Mi đồ con nít, trứng khôn hơn vịt à?
Đi mô cho ngái cho xa
Ở nhà với mẹ đặng mà nuôi quân!

Mình nghèo, không tạ thì cân
Mít thơm bán chợ, góp phần mua lương.
Mẹ con, một bữa, về đường
Gạo ngon một gánh em sương nặng đầy
Nguỵ đâu xông lại cả bầy
Bắt em, nó hỏi: Gạo này cho ai?
Nó đá đít, nó bạt tai
Đau em, em chịu, chẳng khai một lời

Thương anh, anh giải phóng ơi!
Càng thương gạo đổ gạo rơi xuống bùn…

Chạy về một mạch đầu thôn
Thưa anh xã đội: Cho em luôn theo cùng…
Anh rằng: Cứu nước, việc chung
Tuổi thơ cũng phải anh hùng, nghe em!
Việc quân chạy suốt ngày đêm
Chỉ mê đánh Mỹ, chẳng thèm chút chi.
Chúng em một đội thiếu nhi
Đứa thì canh gác, đứa thì giao liên
Gió mưa chân lội khắp miền
Khi về Tiên Nộn, khi lên Nguyệt Biều

Giặc kia bom đạn bao nhiêu
Chúng tao gan dạ lại nhiều hơn bay!
Chiều chiều trông ngọn Tam Thai
Thấy quân Mỹ đóng như gai đâm lòng
Phải chi ra trận xung phong
Măng non em cũng sắt đồng chứ sao?
Tuổi mười bốn những ước ao
Buổi đầu cầm súng biết bao là mừng…
Mẹ ơi, súng đẹp quá chừng!
Con đi đánh giặc, mẹ đừng lo chi.

Mẹ cười: Thiệt giống cha mi
Chẳng ăn chi cả, cứ đi đánh hoài!
Sớm hôm, củ sắn củ khoai
Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông
Khi ra xung trận giữa đồng
Khi lăn dưới lửa, thoát vòng giặc vây
Súng này càng đánh càng hay
Một tay em chấp mười tay quân thù
Thằng Mỹ vừa ác vừa ngu
Nó như con cọp mắt mù đó thôi
Thằng Nguỵ vừa dại vừa tồi
Nó như con rắn theo đuôi ăn tàn.
Một hôm sương sớm chưa tan
Em đi phục kích, đón đoàn chiến xa
Xe đầu, lính nhép, cho qua
Xe sau, quan tướng ngồi ba bốn thằng.
Tức thì, mìn điện giật phăng
Tướng quan lăn chết nhăn răng một hàng
Xe kia quạy lại bàng hoàng
Chết thêm hai đứa, vội vàng tháo im.
Đánh rồi, lên ngọn đồi sim
Trông mây bay múa, xem chim hót mừng…
Bỗng đâu từ dưới chân rừng
Mười xe Mỹ đến, đùng đùng giương oai
Nào xem, ai thắng được ai?
Mỹ mười xe thép, em hai chân đồng
Năm giờ vây đuổi uổng công
Băng đồi vượt dốc, ra sông em ngồi
Đợi thằng giặc Mỹ đến nơi
Bắn ngay một phát đi đời, sướng ghê!
Kinh hồn, rút cả mười xe
Hai chân em lại đi về tung tăng.
Súng em càng đánh càng hăng
Chỉ mong mau giỏi, mau bằng các anh.
Xa rồi, lại nhớ trên xanh
Măng tre, môn vót lều tranh mái kè
Tháng ngày ngọn suối bờ khe
Mà vui như hội, bốn bề yêu thương
Tay em một khẩu súng trường
Mà như có cả quê hương đánh cùng
Ôi quê ta rất anh hùng!
Nước non đâu cũng trùng trùng tiến quân
Ầm ầm biển lửa nhân dân
Đẹp như Huế dậy đầu xuân đỏ cờ!
Chuyện em rứa đó, anh nờ
Bấy lâu trong ấy, bây giờ ra đây
Nhớ cha, chưa biết mặt mày
Bác Hồ thương cháu, gọi ngay đến Người.
Bác nghe cháu kể, Bác cười
Bác khen, cháu nhớ từng lời Bác khuyên.
Vui chăng, hỡi mẹ làng Yên!
Thằng cu Theo được về bên Bác Hồ…


Môn sử, học từ 1958 đến nay, với các bài đọc riêng lẽ: Tiếng súng đầu tiên của quân cướp nước (1858), Dùng mưu giặc giết giặc (Hòang Hoa Thám), Đánh giặc bằng sức nước (Phan Đình Phùng), Cuộc biểu tình khổng lồ (Xô Viết Nghệ Tỉnh), Thủ đô trong khói lửa (1946), Đội quân tóc dài (1960), Nhằm quân thù mà bắn (Nguyễn viết Xuân), Trận đầu diệt Mỹ lớn nhất (trận Vạn Tường), đánh vào hang ổ giặc Mỹ (trận Mậu Thân)… Nói chung học cũng như giải trí, khi đã nắm quy luật “ ta thắng địch thua” càng thấy dễ học bài hơn nữa. Đọc thấy hấp dẫn vì chưa từng thấy phe ta thua, chết hay bị thương trong khi số lượng tổn thất của địch được ghi rõ rành rành (??). Đến giờ cũng chưa thấy thông tin chính thức nào để cho biết.

Môn Toán vẫn còn nhan nhản các bài toán đố có cái “introduction” giết giặc – thi đua – tuyên truyền. Bài không khó nhưng tôi cứ làm ạch đụi trật tới lui. Mất tiên tiến cũng vì môn này.

Môn tập đọc là môn tôi nhớ nhiều nhứt vì cái tật ưa đọc sách không chừa thứ gì. Tuy vậy chỉ còn nhớ cái tựa là chính (do còn ấn tượng cách đặt tên) cũng như đại ý của bài:

–          Bài “Xu Lê-Lốc sau ngay giải phóng”: tả sinh họat buôn làng miền núi sau giải phóng.

–          Bài “ Học đi mà nhớ mãi”:

Học đi mà nhớ mãi
Học đi em
Học đi mà nhớ mãi
Quê hương ta một dải
Từ Mũi Cà Mau
Đến địa đầu Móng Cái
Quê hương ta
Đồng ruộng phì nhiêu
Đủ bốn mùa hoa trái
Núi Trường Sơn vĩ đại
Bờ biển rộng bao la
Có Việt Bắc mồ ma giặc Pháp
Nối liền Đồng Tháp,

Nam Bộ thành đồng
Học đi em,
Học đi mà nhớ mãi
Quê ta liền một dải
Như máu chảy trong người
Kẻ nào định chia đôi
Chia lòng ta sao được
Em học đi cho thuộc.

Rằng:
Lòng ta chung một Cụ Hồ
Lòng ta chung một Thủ đô
Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!

 

–          Bài  “Em bé Thừa Thiên”


Chúng giơ súng bắt em

Xé cờ trước mặt chúng

Ung dung em quấn cờ vào bụng

Chỉ vào mũi súng

Chúng mày !

Muốn xé cờ hãy xé xác ta đây

Mười ngón tay em

Như tia sáng mặt trời mới mọc..(quên đọan cuối)


–          Bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”

…Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi,
ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão,
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân, nhắm mắt, còn ôm…
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta
lên chiến trường tiếp viện
Và những chị, những anh

Ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn xương tan, thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống
Máu của anh chị, của chúng ta không uổng
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…
[41]

–     Bài “Mồ hôi và máu trên nắm thóc”: kể lại lối gặt kiểu du kích (từng nhóm người riêng lẽ âm thầm dùng lược tuốt lúa vô bao lúc ban đêm) hay gặt tập đòan (gặt công khai ban đêm, có du kích đứng gác) để phục vụ kháng chiến.

–     Bài “ Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo” (sau này khi xem tài liệu về Điện Biên Phủ, thấy cách chèn gỗ dưới bánh xe pháo như vậy thì chuyện khẩu pháo dứt dây bất thần tuột dốc núi là không dễ, còn lấy thân chèn pháo thì phải có ai làm thử rồi kể lại thì mới hy vọng  biết thêm.)

–     Bài “ Tiểu đội gang thép”: tiểu đội anh hùng bám trụ chận đứng nhiều đợt tấn công của địch.

–     Bài “Lê-nin vào tiệm hớt tóc”: Lê-nin một mình xuống phố đi ra tiệm hớt tóc, ông cũng chấp nhận chờ đợi đến lượt như mọi người.

–     Bài “Thành phố Mátx-cơ-va”, “Thành phố Bắc Kinh [42]” viết về thủ đô các nước Liên xô, Trung Hoa anh em.

–     Bài “Kpa Kơ Lơng” phục kích bắn một phát “xiên táo” nhiều tên địch. [43]

–     Bài “Gương lão thành”: kể ông già miền núi dùng tên ná bắn giặc rồi bị hy sinh.

–     Bài “ Trước lúc hy sinh”: tâm trạng chị Sứ khi bị giặc bắt.

–     Chuyện “ Bức tranh cụ già ngồi câu cá”: kể việc người dân ngày 19-5 vùng địch hậu đồng lọat treo bức tranh này kèm bài thơ khiến địch không hiểu vì sao, khi biết thì lại không làm gì được:

Cụ già thong thả buông cần trúc,

Hồ rộng in trên mặt nước hồng

Muôn vạn đài sen hương bát ngát

Tuổi già vui thú với non sông.

–     Chuyện anh Nguyễn Bá Ngọc bò sang nhà hàng xóm để cứu bạn (vừa ôm một bạn, vừa cho một bạn khác bám chân mình để bò về hầm trú) và hy sinh vì trúng bom bi (nghe nói có bài hát ca ngợi mà tôi không thuộc).

–     Bài “Ong đánh Mỹ” tiếp tục được học lại và được xem là “một trận đánh không tiền khoáng hậu” (nguyên văn). [44]

Phải nói các bài tập đọc này “chẳng bao giờ cụng hàng” với những bài trong sách giáo khoa “Tiếng Việt” cho cấp 1 sau này. Kể lại còn có người không tin, tưởng mình xạo.

Tôi bắt đầu biết “đạo văn” do lâu lâu lười làm văn.

Lần đầu tiên tôi lấy một đọan mở bài “tả mẹ em” từ mục Bài luận hay nhất lớp trong số báo Thiếu Nhi (bộ 4) ghép với đọan thân bài “tả chị em” trong quyển sách dạy làm văn lớp Nhất ngày trước. Chỉ có kết luận thì tôi tự làm. Tôi được điểm cao 8 nhất lớp.

Lần khác, từ cuốn sách dạy văn lớp đệ thất, tôi chép lại nguyên văn một bài luận khác để cho bài tập làm văn “kể lại một việc tốt đã làm”. Bài cũng được điểm 8 cao nhất lớp.

Môn ngữ pháp có thêm mục “làm thơ lục bát”. Cũng nhờ đọc sách nhiều, tôi cũng làm được thơ nhưng ý chưa hay. Không rớt là may vì gieo vần đúng. Bài yêu cầu tả việc học tập của mình. [45]

Cái đáng chú ý là lâu lắm mới nghe thấy 1,2 vụ đánh nhau nhỏ không đáng kể. Thỉnh thỏang có thấy tai nạn lớn do chơi đùa. Một lần tôi thấy một cô giáo ẵm một em vô văn phòng vì bị thương ở đầu, máu chảy ròng ròng dọc đường đi (hồi tôi lớp 2). Lần trước đó hồi lớp 4, Đ., bạn học cùng lớp 4, bị ai đó gạch chân té chảy máu đầu đầm đìa khi chơi “đá ngựa” [46] với các lớp khác, nhưng vết thương không nặng. Việc khiến các thầy cô các lớp bắt làm tự kiểm tất cả các học sinh có tham gia hôm ấy.[47]

Đặc biệt lớp tôi (5B) có chuyện một anh  H.Th.Ch. lấy đâu khẩu súng k54 vô trường chơi. Nhà trường ngăn chận được và kêu công an “áo vàng” vô tịch thu lập biên bản.

Kỳ nghỉ hè cuối lớp 5 là thời kỳ chán nản, bực bội với trò đi sinh họat hè hàng tuần, tập nghi thức, lao động cuối tuần. Lại còn bị kéo đầu thức dậy lúc 4h sáng đi tập thể dục. Mấy đứa nhỏ chi đội trưởng sáng đến từng nhà kêu tên thức dậy cho bằng được khiến cả xóm thức giấc. Mà mãi tới 5 giờ mới gọi ra đủ số, tập 10 phút rồi về. Ai giỏi ráng về ngủ tiếp được thì ngủ. Riêng tôi thì không dễ ngủ trở lại. Chưa hết, mỗi tối thứ Năm, đám phụ trách sinh họat hè đến từng nhà réo tên kêu đi họp. Nhiều lúc gặp phim hay hay chương trình Olympic [48] hấp dẫn lại phải bỏ giữa chừng vì bị đám phụ trách Đội réo tên kêu đi họp cho bằng được.  Gặp những bửa tập nghi thức thì chúng nó bắt tất cả tập đi “Một, hai..” tới khuya để chuẩn bị cho ngày đồng diễn thi đua vào sáng Chủ Nhật. Quả là một mùa hè “vui, khỏe” cho…ai khác ! Tôi tiếp tục phải GHÉT ! …GHÉT nữa ! và … GHÉT… mãi ! Tới giờ sau hàng chục năm nhắc lại cũng còn GHÉT !

Tưởng tượng như là một “kế họach 5 năm” đi học của tôi vừa kết thúc với kết quả không vừa ý  “nếu không muốn nói là thất bại”.

Vì đã có ý định theo lớp Pháp văn khi vô cấp 2 nên tới lúc này vốn tiếng Pháp tôi tương đối ổn. Vừa học ở Genina Mundi hết cuốn “Je lis Tu lis”. Vừa học ở nhà ông ngọai dạy với cuốn Langue et civilisation francaise (Mauger), Cour francais élémentaire,..

Máu ghiền đọc sách khiến khi nào thằng bạn hàng xóm có mượn sách gì, tôi cũng năn nỉ mượn về đọc qua một cái. Tôi bắt đầu đọc chuyện Tàu “Tây Du ký”.  Tìm được cuốn “Lịch sách Tử Vi Tiền Phong năm Nhâm Tý”, tôi đọc “Phép độn Khổng Minh”, “Đo rùa”.. cho biết. Tiện thể, tôi cũng đọc không chừa chuyên đề  “Cô gái bước vào tình yêu” trong đó. Vì khó tìm được sách gì khác để đọc.

Tôi dung nạp kiến thức từ sách bên ngoài nhiều hơn sách nhà trường cũng như các luồng thông tin đa chiều. Các kiến thức phong phú qua sách đã làm tôi ghiền đọc, chủ yếu từ “sách cũ”.

Học tập đọc đã đời mấy năm, lớn lên sau khi đọc nhiều sách, mới nhận thấy rằng bộ sách “Giáo khoa thư” do nhóm biên sọan của cụ Trần Trọng Kim ngày xưa vẫn hay hơn hết !


[1] Mãi tới hơn 20 năm sau, nhiều trường dọn dẹp thanh lý kho còn tìm ra cả mấy cần xé viết chì Hồng Hà để lấy về..chụm củi.

[2] Sách “chính thức” được bán chủ yếu tại các nhà sách Giải Phóng. Sách “ngoài luồng” vẫn được bán tại nhiều khu chợ trời (tôi chỉ còn nhớ khu chợ sách ở đường Calmette). Nhiều mặt hàng khác cần mua phải có giấy giới thiệu của cơ quan mới được mua tại các cửa hàng quốc doanh.

[3] Nhiều nơi, thầy cô bắt học trò phải viết là “mỹ” thay vì là “Mỹ”(!) cũng như sau này bắt viết là “mĩ” hay “Mĩ”. Coi như là thể hiện lòng “căm thù giặc”.

[4] Vì sinh ra trong thời chiến với nguy cơ “chạy giặc” rình rập trong những ngày cuối chiên tranh 1975, anh em chúng tôi được dạy học thuộc lòng địa chỉ nhà mình, tên ba má và địa chỉ của nhà bà con. Ba tôi đặt làm cho từng đứa chúng tôi tấm thẻ bài đeo cổ như thẻ bài lính trên đó ghi rõ địa chỉ, tên tuổi… để rủi bị lạc thì cũng còn hy vọng tìm lại được.

 

[5] Tôi còn nhớ trên xe bán bánh khoai mỳ xay có ghi hàng chữ: “Ăn nay, mai nhớ”. Trên xe cà rem thì hay ghi: “Kem Hữu Danh”.

[6] Trong khi gần đây (9-2009), trong tình hình vệ sinh cao, không còn nghe nhắc tới ghẻ, chí, rận, rệp,.. Nghe nói bên khoa Ký sinh trùng của đại học Y  của Hà Nội có lùng tìm mua lại con ghẻ với giá 70.000 đến 500.000 đồng/con để nghiên cứu.

[7] Phải nói là cái hộ khẩu, tới ngày nay (2009), vẫn còn có tính cực kỳ quan trọng trong mọi lĩnh vực liên quan tới quyền lợi công dân. Tất nhiên việc vô hộ khẩu nhứt là hộ khẩu tại Hà Nội hay TpHCM càng ngày càng khó khăn tưởng chừng như xin vô quốc tịch một nước nào đó. Bên cạnh giấy cho phép tạm trú dài hạn trong thành phố, khỏang năm trước thập niên 90, đã còn có một lọai giấy “cho phép cư trú bất hợp pháp” (!???) . Xin tạm thời chưa có ý kiến gì về lọai giấy này vì trình độ tác giả còn hạn chế.

[8] Tôi còn ấn tượng bức panô tuyên truyền  (hồi khỏang 77 hay 80 gì đó): “Bạn làm gi khi Tổ Quốc cần?”. Sau này mới biết là panô này lấy ý tưởng “I need  you for the war” với hình chú Sam được thay bằng hình chú bộ đội chỉ ngón tay trực diện. Bên cạnh có panô hai câu thơ:

Mừng anh đến tuổi tòng quân,

Bà con cô bác xa gần tiển đưa.

[9] Bấy giờ mở tiệm vàng & buôn bán vàng chưa được phép nên các tiệm vàng thường trá hình bằng tiệm “thợ bạc gia công”.

 

[10] Ý nói ba thứ nhu cầu xa xỉ mà dân miền Bắc bấy giờ hằng mơ ước:

–          Đổng (tiếng lóng): đồng hồ, thông dụng ở ngòai Bắc là hiệu Poljot lọai lên giây của Liên Xô; và sau này khi vô Nam thì  Seiko ”3 kim, 12 hột, 2 cửa sổ, không người lái (lọai automatic)” được chuộng hơn.

–          Đạp: xe đạp, ban đầu là hiệu Phụng Hòang của Trung Cộng được chuộng, sau này hiệu Peugeot của Pháp thay thế.

–          Đài: cái đài (radio). Thỉnh thỏang thấy nhiều anh vác “cái đài” kè kè bên mình vừa đi vừa nghe. Vẫn còn nhớ nhà nước luôn cảnh báo răn đe mọi người “không nghe đài địch”.

Có người còn xách cái đèn pin và đeo kiếng mát đen cả ngày lẫn đêm cho  nó “óach”.

Nhiều người trên mạng kể lại có thấy mấy anh bộ đội bịt khẩu trang bằng ..băng vệ sinh ! Thiệt giả thế nào, chưa ý kiến !

Có bài thơ “Mười thương”được chế biến như sau:

Một thương anh có Sen-ko(Seiko),
Hai thương anh có Pơ-giô (Peugeot) cá vàng.
Ba thương nhà cửa đàng hoàng,
Bốn thương hộ khẩu rõ ràng thủ đô.
Năm thương không có bà bô,
Sáu thương Văn Điển ông bô sắp về.
Bảy thương anh vững tay nghề,
Tám thương sớm tối đi về có nhau.
Chín thương gạo trắng phau phau,
Mười thương nhiều thịt, ít rau hàng ngày.

 

[11] Viết tắt chữ: Cao su – xà phòng – thuốc lá.

 

[12] Mấy năm sau, thằng em học lớp 4 kể lại trong lớp của nó có 1 đứa “ngoài kia vô” học nhảy từ lớp 1 lên thẳng lớp 4 chỉ vì chuyển từ hệ 10 năm “ngoài kia” sang hệ 12 năm “trong này”. Tất nhiên khi vô lớp 4 mà chưa học xong lớp 1, thì nhảy lớp xong sẽ học như thế nào thì không ai biết nổi..

[13] Trong: http://quanvan.net/index.php?view=story&subjectid=27377 có viết lại khá nhiều chi tiết về những câu chuyện tương tự mà chúng tôi đã từng học.Đến ngày nay trên các mạng chính thức vẫn còn nhắc lại.

[14] Tôi nhớ bài vè, bấy giờ thường nghe con nít mẫu giáo đọc ra rả: “Anh Kim Đồng , làm liên lạc, Mang thư mật, rất tài tình, Đi một mình, trong rừng tối, Khi lội suối , lúc trèo đèo, Dù no đói , cũng gắng công, Anh Kim Đồng , thật dũng cảm”.

Còn bài hát như sau: “Hờn căm bao lũ tham tàn phát xít, chân bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu. Kim Đồng quê anh Việt Bắc xa mù, Kim Đồng, thay cha rửa mối quốc thù. Anh Kim Đồng ơi!, Anh Kim Đồng ơi! tuy anh xa rồi, gương anh sáng ngời đội ta cố noi. Bao phen gian lao trong rừng, gian lao, nguy nan muôn trùng, xung phong noi gương anh hùng. Đùng! Đùng! Đùng! Đoàng! Đoàng! Đoàng! Anh vẫn đi. Anh luôn luôn tiến bước tiến đi theo dò quân xâm lăng, anh xông pha chốn khắp chốn đi tuyên truyền trong nhân dân. Kim Đồng, tên anh muôn thủa không mờ, Kim Đồng, tên anh lừng lẫy chiến khu”.

[15] Trong: http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/333230/Hien-vat-cua-long-dan-khi-son-ha-nguy-bien.html có ghi lại: “…Một hiện vật mà có lẽ không một vị anh hùng trong chiến tranh hiện đại nào của thế giới có thể tưởng tượng được: đó là chiếc đòn gánh bằng tre của nữ du kích nông dân Nguyễn Thị Chiên. Câu chuyện của chị đã được kể lại trong sách giáo khoa cấp I: trên đường ra đồng, gặp Tây đi càn, chỉ có đòn gánh trên tay, không một tấc sắt trong người, chị xông ra giơ đòn gánh thét lên dọa mấy chú lính Tây giơ tay đầu hàng. Bất ngờ và hoảng sợ, lính Tây líu ríu giơ tay lên trời. Người nữ du kích bé nhỏ bình tĩnh cầm đòn gánh áp giải lính Tây đi hàng một về cho quân ta bắt sống. Chiếc đòn gánh của chị Chiên được gìn giữ qua gần 60 năm…”

và:

“… “kho vũ khí lạnh” còn nhiều độc chiêu khác: một góc triển lãm sẽ dành để kể về chiến công của ông Đoàn Văn Chia ở Cần Thơ. Hồi đó ông Chia mua 100 tổ ong vò vẽ về nuôi, huấn luyện đàn ong của mình khi thấy giặc Mỹ thì bay ra đốt. Quân địch vì bị ong đốt nên tháo chạy tứ phương và lọt vào bẫy chông mà ông đã sắp đặt sẵn…”

Giống như trong “Từ Tuyến đầu Tổ quốc”có  viết về chị L.H sử dụng khiếu “bắt giò” lấy ba bót. (theo chú thích của sách: “bắt giò”, tức nắm lấy cổ chân của lính ngụy, vật chúng ngã).

[16] Trong sách “Tuổi nhỏ anh hùng” (nhà xuất bản Kim Đồng), khi viết về Lê Văn Tám, có thêm một chi tiết mà sách khác không hề có: sau khi châm lửa tự đốt mình, Tám vừa chạy, vừa dùng chiếc áo ngòai của mình làm quạt cho lửa cháy to thêm (?!).

Một sách khác lại viết là khi ấy Tám bị trúng một viên đạn vào bụng nhưng vẫn tiếp tục chạy.

Khỏang 1982-83, có bộ phim “Ngọn lửa thành đồng” nói về Lê Văn Tám với ít dữ kiện “mắm muối” khác.

Chưa hết, khỏang 1983, báo Khăn Quàng Đỏ có kể một em hỏi cô: “Chúng em muốn bắt chước anh Lê văn Tám thì phải làm sao hả cô?” Khiến cô (chắc cũng hỏang hồn) khuyên bảo:”Thôi các em lo học tập tốt trước đã”…

Chứ bây giờ cây xăng nhan nhản, ai liều mạng bắt chước noi gương anh Tám được thì cũng xứng đáng được nổi tiếng (!) trên báo… Công An. Trùm khủng bố Bin Laden sẵn sàng nhận làm đệ tử; Đại học Bình Hưng Hòa sẽ mở rộng cửa tiếp nhận theo diện đặc cách, trong khi còn đang có nhiều cụ già đang hấp hối ì ạch luyện thi mùa tuyển sinh 24/24..

Chưa hết, trong tiểu thuyết “Con Thúy” của Duyên Anh cũng có nhắc về chuyện này, dù tác giả có bịa đặt chăng nữa thì ít nhiều ta cũng thấy rõ sức tác động của câu chuyện đối với trẻ con:

“… Côn rút trong túi quần xóoc ra một tờ báo gấp nhỏ:

– Trong Nam có thằng chiến hơn Kim Đồng. Báo đăng đây này.

Vũ chộp vội tờ báo. Cái tít to lớn đập vào mắt Vũ: “ Một em bé tẩm xăng tự đốt rổi nhẩy vào kho đạn giặc Pháp”. Vũ say sưa đọc báo. Nó cười ha hả: – Ừ chiến hơn Kim Đồng.

Tin em bé Nam Bộ tẩm xăng tự đốt rồi nhảy vào kho đạn của giặc Pháp ở Sài Gòn đã xôn xao thị xã. Đi tới chỗ nào cũng nghe kể chuyện em bé Nam Bộ. Em bé Nam Bộ được coi như anh hùng cứu quốc. Nhi đồng cầu Kiến Xương, khối đưa mơ thành en bé Nam Bộ. Chúng nó tưởng rằng kho đạn của thực dân Pháp nổ tung, giặc Pháp sẽ hết đạn bắn. Quân ta sẽ giết hết chúng nó.

Báo Cứu Quốc không ngày nào là không nhắc gương can đảm của em bé Nam Bộ cùng với tin Thanh Niên Tiền phong giết Pháp cầu Quay, cầu Móng, Khánh Hội, Gò Vấp, Bình Xuyên, Gò Công…”

Sau này, chính giáo sư Phan Huy Lê đã khẳng định nhân vật Lê văn Tám không có thật vì Lê Văn Tám do ông Trần Huy Liệu đặt ra, cũng như thiếu cơ sở khoa học (vẫn chạy được quãng dài khi bị lửa cháy hết mình).

Chính giáo sư Lê trong cuộc họp báo (2-2005) đã nhớ lại: “ Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Ðó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền (sau cách mạng tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền và cổ động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè.[..] Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”..

Nhân tiện kể thêm, quyển “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mới xuất bản gần đây (2007) cũng vẫn còn có yếu tố phản khoa học: Trâm bị đạn M16 bắn “nát gáo” trong lúc chiến đấu mà vẫn còn hô to được khẩu hiệu trước khi chết ! Đúng là chưa từng thấy vì không hiểu làm sao biết được khi nào đạn bắn trúng mình để hô khẩu hiệu đúng lúc (?!)

Các yếu tố phản khoa học cũng đủ chứng minh rằng tất cả chuyện trên đều không có thật. Tuy nhiên còn nhiều người cho rằng việc phát hiện sự thật ấy là nằm trong những ý đồ xuyên tạc đang có khuynh hướng “bị rơi vào chủ nghĩa xét lại” hay “vạch lá tìm sâu” (!) để phủ nhận ý tốt của tác giả của những câu chuyện trên.

[17] Trong sách “Tuổi nhỏ anh hùng” có viết: Ở tòa án, khi bị tuyên án tử hình và bị tịch thu tòan bộ tài sản (?), chị đã lớn tiếng phản đối, có câu: “… Tao chỉ còn mấy cái thùng rác ở khám Chí Hòa, tụi bây vô đó mà tịch !” Liền sau đó bọn lính bịt miệng chị và lôi về nhà giam. Khi ra tử hình, chị còn hồn nhiên hái hoa cài tóc và tặng cho một người lính gốc Phi một cành hoa.

[18] Xéo bên trường chúng tôi có tòa nhà (bây giờ là khách sạn Victoria, góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa-Võ Văn Tần) nghe nói dành cho chuyên gia quân sự Liên Xô. Học trò hay tò mò chỉ nhau các máy lạnh “một cục” chạy ồn ào cả ngày dành cho mấy ông chuyên gia tránh cái nắng đổ lửa ở Sài gòn. Có nhiều bạn trong lớp lúc đó không biết máy gì mà kêu dữ vậy !

[19] Đầu chương trình truyền hình, phần “Những bông hoa nhỏ”chủ yếu là phim họat hình cho thiếu nhi. Tôi nhớ các phim: Chú kiến và hạt gạo, Buổi sáng yên lặng, Đêm trăng rằm, Con sáo biết nói, Ong đánh Mỹ, Chiếc hoa năm cánh, Cây đa chú Cuội.. Sau này có thêm ca nhạc thanh thiếu nhi, chương trình “ Bạn nhỏ bốn phương”,..  và được phong phú dần dần thêm bằng các mục: gương tốt thiếu nhi, báo đội chúng em, đố em,…

Phần thời sự đi theo sau chương trình “Những bông hoa nhỏ”. Kế tiếp là phần tin thế giới mà luôn mở đầu bằng tin Liên Xô. Sau nữa là phần tin “Người tốt việc tốt”, Phóng sự, Khoa học kỹ thuật.

Cuối chương trình lúc 8 giờ, phần chiếu phim chủ yếu là phim các nước XHCN. Có nhiều phim nổi tiếng: Đại Úy Claude, Thép đã tôi thế đấy, Trên từng cây số, Bí mật núi Andes, Thiếu tá Zeman và 30 vụ án, Chiếc cối xay độc ác, 6 người đi khắp thế gian, Người Cá… sau này có thêm: Tầm nhìn qua cửa sổ, Hồ sơ Thần Chết, Cô bé trên trời rơi xuống,..

Lâu lắm mới có phim “tư bản” thường là phim Pháp: Ba người lính Ngự lâm (les trois Mousquetaires), Những người khốn khổ (Les misérables) , Hiệp sỉ bão táp (Chevalier Tempête), Người nông dân nổi dậy (Jacquou le Croquant), Người đàn ông với bộ mặt cười (Homme qui rit)..

Phim Việt Nam có: Nổi gió, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Sao tháng Tám, Vùng Trời, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Cô Nhíp.. Sau này có thêm: Nguyễn Văn Trỗi, Hòn đất, Ngọn lửa thành đồng, Cù Chính Lan,.. lạ một cái là phim nào có nghe nói có nhiều cảnh “lính ngụy” hành quân rầm rộ, ăn chơi, nhày đầm.. là phim đó đông khách.! Khi quay cảnh trong quán là phải có cảnh lính say rượu đánh nhau tá lả, xạo ở chổ là trong khi đó bàn kế bên vẫn nhậu tỉnh queo ! Nói chung là hể thấy cảnh “bên địch”là mình tự biết sẽ có đủ tệ nạn “hấp dẫn phe ta” diễn ra.

Thứ bảy, 8 giờ, phần sân khấu kịch, cải lương, đa số là loại tuồng “đại úy” (chủ đề cách mạng, chống Pháp, Mỹ) chiếu đi chiếu lại: Cho tình yêu mai sau, Ánh sáng và bóng tối, Giọt máu oan cừu, Ánh lửa rừng khuya, Trăng lên đỉnh núi, Tiếng hò Sông Hậu, Hoa huệ trắng.. Các tuồng xưa: Bên cầu dệt lụa, Tiếng Trống Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga… Kịch Liên Xô lâu lâu có vài tuồng kích với các tên Ốp, Ép, Va, Na.. cực kỳ khó nhớ! Lâu lắm có thêm mấy vở tuồng hát chèo.

Thỉnh thỏang có thông báo “Tin buồn” với công thức đến nay không đổi: “Tin buồn.  Chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin, đồng chí (…) sinh năm (…), mặc dù có sự chạy chữa tận tình của các bác sĩ,  đã từ trần ngày (…) sau cơn bịnh hiểm nghèo…”

Trưa Chủ Nhựt lúc 15 giờ còn có chương trình “thí nghiệm truyền hình màu” khỏang một tiếng. Thường là chiếu phim.

Chương trình vòng vòng chỉ có vậy và chúng tôi đã tranh thủ học bài xong sớm trước 8 giờ. Từ năm 79, việc cúp điện định kỳ khiến lâu lâu phải chạy sang nhà bạn bè nơi khác để xem phim khi xóm mình bị cúp điện. Ít lâu sau, còn bị thêm trò cúp điện đột xuất. Bị “đứt” phim hay, tức anh ách !

[20] Cứ tìm “nhạc chế” trong Google sẽ biết thêm. Hay vào:

http://dactrung.net/forum/topic.asp?TOPIC_ID=6152

[21] Phong trào trồng cây tăng gia sản xuất được phát động cả xứ. Ở trong thành phố, lề đường, đất trống được đào xới để trồng cây khắp nơi. Báo đã đăng là thành phố đã trồng hàng triệu cây (!?).  Trong trường có phát động đem gạch vô để chồng lên làm bồn cây cho vườn thuốc Nam để thi đua lấy điểm. Sự việc được kéo dài sang năm lớp 3 của tôi. Mãi đến 1980, khi trường Lê Quý Đôn mở trở lại sau 2 năm giải thể, gạch trong trường còn khá nhiều. Sau này lúc cần gạch làm bồn trồng cây ở nhà, tôi ung dung mỗi ngày vô trường bỏ một cục vô cặp tha dần về cho đủ số mà dùng.

Khỏang đầu thập niên 80, có thêm phong trào nuôi cá trê phi trong nước. Khắp nơi người ta đào bới đất để tìm trùng chỉ. Không rõ các trường dưới quê thời đó có “ao trường+cầu cá” cũng như vườn trường trên này của chúng tôi hay không ?

[22] Hình ảnh điển hình thời “Bao cấp”: mọi người chầu chực xếp hàng dài cầm sổ hay tem phiếu đi mua gạo, thịt,  nhu yếu phẩm, xăng dầu,.. với tiêu chuẩn thay đổi tùy theo chức vụ của mình. Theo tôi nhớ có các lọai sổ: sổ gạo, sổ dầu, sổ nhu yếu phẩm, sau này còn có thêm sổ lãnh hàng nước ngòai (khi có luật chỉ lãnh hàng nước ngòai 3 lần/năm; trong sổ ghi rõ tên và địa chỉ người gởi, khi lãnh mà trật tên hay địa chỉ người gởi thì khỏi lãnh) bên cạnh sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú tạm vắng. Chưa kể khi xui xẻo “không có hàng” thì tiêu chuẩn của mình, dù là lương thực, cũng có thể bị ép buộc thay bằng thứ khác: thuốc lá, vải, phụ tùng xe đạp… mà không có lựa chọn nào khác. Mà nếu không mua thì sẽ không được mua thứ khác tiếp theo (chẳng hạn mua gạo, không có gạo phải mua khoai mì thay thế. Nếu không mua khoai mì thì sẽ không được mua nhu yếu phẩm (mà sổ mua gạo lại khác với sổ mua như yếu phẩm). Phụ nữ cũng bị bắt buộc mua thuốc lá như đàn ông dù không có nhu cầu, nhưng phải mua mới được tiếp tục mua mấy thứ khác.

Khi không đủ hàng cung cấp thì cứ mấy người bắt thăm để mà mua một phần. Chẳng hạn 4 người bắt thăm để hy vọng được mua một cái quần hay một cái mùng…

Các công nhân viên, sinh viên được lãnh thêm tiêu chuẩn tương tự tại cơ quan hay trường của mình. Các thầy cô giáo, sinh viên vô lớp mang theo bọc thịt, gạo vừa lãnh là chuyện thường thấy.

Có bạn khi bị thầy hỏi tại sao không thuộc bài thì trả lời tỉnh queo là phải phụ gia đình xếp hàng mua lương thực, nhu yếu phẩm nên không có giờ học. Cô cũng đành chịu.

Tết thì mỗi nhà được tiêu chuẩn một phong pháo. Dịp Trung thu, nhà nào có con nít thì được một gói bánh và một lồng đèn giấy xếp với cây đèn cầy nhỏ.

Câu thành ngữ “buồn như mất sổ gạo” sinh ra từ đó…

Nhiều nơi, thay vì thối tiền, người ta thối bằng kẹo.Ở một số trường đại học, sinh viên cắc cớ đóng lại tiền xe bằng kẹo cho bỏ ghét rồi sinh cãi lộn. Ở bịnh viện, đi gởi xe được thối lại thậm chí bằng … bao cao su ! Dân quê lên Sài gòn nhìn xớn xác tưởng là kẹo, khi lấy ra ăn thì mới biết và..huề tiền, cười trừ.

Những hình ảnh các cửa hàng mậu dịch với các cô mậu dịch viên có bản mặt chằm dằm lạnh lùng vì “hàng không cần bán, bán không cần lời, ngồi không cần khách”.” ngồi bên cạnh đại đa số những món hàng có bảng niêm yết “hàng mẫu không bán”.

Tất nhiên thuốc men khan hiếm. Các thuốc dân tộc như sâm đại hành, xuyên tâm liên.. tạm được xem là thần dược tiêu trừ bá bịnh. Nhiều người ngòai Bắc vô có thói quen khi mệt dùng mì chính (bột ngọt) quậy bỏ vào nước trà “uống cho khỏe”. Có câu thơ như sau:

Tay thì xách cặp kè kè,

Tưởng rằng tài liệu, ai dè bột nêm.

Nạn xăng khan hiếm, cũng lãnh theo tiêu chuẩn như mọi thứ khác,  nên nhiều xe khách phải chạy bằng than, than vụn rớt đầy đường. có người pha dầu lửa với xăng để chạy xe. Bạn bè tặng nhau 1 lít xăng cũng là rất quý.

Khi chất đốt khan hiếm thì thấy nhiều người, thậm chí là trẻ em cõng nhau đứng cạy vỏ cây dọc bên đường, có khi là quét hốt lá cây khô đem về nhà làm củi chụm.

Hết thời bao cấp thì các tiêu chuẩn được “bù lổ” (bù giá vào lương), được quy ra tiền để lãnh và không phải xếp hàng chầu chực cầm sổ chờ mua như trước.Từ ngày ấy, phòng “Đời sống” trong các cơ quan, trường học bị giải tán để được gọi là “Đời chết”.

[23] Tôi chỉ có học thêm Pháp Văn lớp thiếu nhi của mấy soeurs tại trường Regina Mundi từ hè năm lớp 2 đến hết năm lớp 5 (vì bị trùng giờ học ở trường nên phải thôi học)..

[24] Trong sách “ Từ tuyến đầu Tổ quốc” (xuất bản 1963-1964) gồm những lá thư đồng bào miền Nam gởi ra miền Bắc có ghi lại đọan như sau: “… Có lần anh em giải phóng quân phục kích địch ở tại một xóm. Đồng chí thủ cây trung liên nằm trong nhà một bà má. Trong khi chờ giặc đến, tự nhiên bà má bảo đồng chí đem súng đặt ngay dưới ghế, rồi má ngồi trên ghế, bình tĩnh như không có gì. Má đặn đồng chí cầm súng: “Con à ! Tụi giặc tới, chứng nào má biểu bắn mới bắn nghe con! Đừng bắn trước, tụi nó chạy mất hết, không ăn gọn nghe !” Đến chừng tóan giặc đầu đi tới, má ngoắc tụi nó vô ăn dưa hấu, chúng quẹo vô ngay. Đợi chúng nó vô tới cửa ngõ, đến gần sát chổ ngồi, má mới ra lịnh cho đồng chí bộ đội “bắn đi !”… Các anh thử xem, lọat súng đó không quét sạch chúng thì bà má còn gì !”…

Có lẽ bài “má Năm” mà chúng tôi học xuất phát từ câu chuyện trên ?

[25] Trong “Chân Dung và Đối Thọai” của Tr.Đ.Kh. có viết : (trích)

“…Tôi muốn nói rằng: Không có cái gì là không thành thơ được. Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: HCM muôn năm. Mà hô những ba lần kia”.
Tất nhiên, sau ba câu khẩu hiệu HCM muôn năm, T.H. đã hạ một câu thơ thật là thần tình: Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần. Và thế là ngay lập tức, mấy câu khẩu hiệu khô khốc trên kia đã không còn là khẩu hiệu nữa, nó đã thành tình cảm, xúc cảm, thành nỗi niềm thiêng liêng của cả một đời người ở cái giây phút hiểm nghèo nhất. Và người đọc bỗng ứa nước mắt. Đấy là tài nghệ của một bút pháp lớn. Bút pháp bậc thầy.!” (hết trích)

Hiện nay, có đọan phim quay cảnh tử hình anh Trỗi trên website  youtube.com, thì ta mới thấy đúng là T.H đã phịa một cách quá tài tình, và thành công ở chổ đã thay đổi cả sự thật lịch sử trong hàng chục năm.

[26] Tôi nhớ lại như in bửa đó, cô giáo nói: “Bên VN ta giờ không có đi quân dịch, chỉ có đi nghĩa vụ quân sự mà..(cô hạ giọng)… thôi !

[27] Thế là câu “Sức khỏe là vàng” của ông bà ta đã bị đào thải hồi nào không biết !

[28] Theo tôi biết thì còn mấy câu nhạc chế sau đó: “ … mẹ mua bắp chuối, cho bé tập bơi. Bao giờ chết đuối, đưa bé về nghĩa trang.”

[29] Tôi còn nhớ hình ảnh dì C., bà lao công hiền lành của trường. Dì có nuôi con chó nhỏ mà chúng tôi hay bắt nựng chơi. Mãi tới sau năm 2000, khi tôi chạy xe ngang qua trường cũ còn thấy dì C. vẫn còn làm ở trường dù đã già cả.

[30] Về câu chuyện “Chị gái đảm đang”, tụi nhóc chúng tôi ban đầu không để ý, học để mà học. Sau này lớn lên,  nhớ một câu trong đó: “Bao giờ nó cũng chừa phần cho má, có khi là một trái chuối đã chín rục”, và khi biết được là chị Út Tịch ở Trà Vinh, tôi không hiều tại sao tác giả bịa đặt ghê gớm bằng cách phỉ báng Miền Nam nghèo mạt. Vì chuối ở miền Nam thời nào cũng rẻ thúi, dân nghèo cũng không ai thèm để dành cho người khác đến chín rục, tất nhiên nhà chị Út Tịch cũng không nằm ngoài số đó.

Trong này cũng có một đọan, diễn tả khi có máy bay địch ném bom gần nhà:

“ …con Bé một tay bồng em, một tay thò ra ngòai hầm quấy bột. Nó bắt xoong lên ba cục đất, chụm bằng lá dừa. Bốn đứa nhỏ vẫn chổng mông lên trời”…

Chẳng hiểu sao tay nào mà dài dữ vậy (??!) để có thể núp dưới hầm, tay lại đưa lên trên ra ngòai nắp hầm quậy bột, mà tô bột lớn cỡ nào mà không thể đem xuống hầm quậy luôn cho khỏe và an tòan.

[31] Một hôm học địa lý có nhắc đến Châu Mỹ. Thầy đố thử rằng ai là người đầu tiên tìm ra Châu Mỹ. Bạn C. trong lớp liền giơ tay sốt sắng phát biểu một câu xanh dờn: “ Thưa thầy, ông … Thiệu !” Khiển cả lớp cười lăn lộn, thầy cũng phì cười.. hết ý kiến !

Viết ra cho anh em nghe đổi không khí và biết thêm chuyện ngoài lề “hồi đó”:

Khỏang thời điểm đó, phải nhắc đến một buổi họp tổ dân phố. Chuyện kể một ông trên phường giải thích cho bà con: “Máy bay ta bay lên cao bao nhiêu cũng như súng đại bác của ta bắn ra biển bao xa thì chủ quyền vùng trời và vùng biển của chúng ta vươn xa đến đấy..”

[32] Bài này khi làm văn kể chuyện, tôi nhờ thuộc lòng vì bấy giờ đọc thấy chuyện cũng ngộ ngộ, ghi lại đầy đủ nên được khen là bài luận hay nhất lớp ! Còn có thêm môn chính tả luyện trí nhớ, yêu cầu học sinh học thuộc lòng bài nào đó rồi viết lại cho đúng chính tả.

[33] Tuy nhiên nguyên văn tìm thấy trên mạng lại như sau:

Sài gòn vừa thiếu, vừa dư,

Thiếu, dư lắm thứ quá ư ngược đời !

Thiếu nước uống, dư rượu mùi,

Thiếu nhà để ở, dư nơi cầm tù.

Sữa bơ, son phấn thì dư,

Gạo ăn lại thiếu ai ngờ được chăng !

Dân nghèo thiếu chỗ làm ăn

Lại dư tiệm hút, nhà săm, sòng bài.

Thiếu trường học, dư cao bồi,

Dư phim dư ảnh sặc mùi khiêu dâm.

Sống mòn, thiếu cái nuôi thân,

Lại dư vũ khí quan quân Huê kỳ !

Nhạc ca dâm đãng thiếu gì,

“Cuốc ca” lại thiếu phải đi vơ chằng !

Mẫu cờ trăm thứ vện, vằn,

“Cuốc kỳ” vẫn cứ lằng nhằng ba que.

Có dư nghị gật, nghị hề

“Cuốc hội” cuốc hè thiếu hẳn ý dân ?

Cái trò hiến pháp bất nhân

Đủ điều phát xít, thiếu phần tự do.

Triều đình chủ Mỹ, tớ Ngô

Thiếu người, dư ngợm, dư đồ lưu manh.

Phố phường dư lũ sát sanh,

Thiếu tai nghe ngóng dân lành kêu oan…

Dư với thiếu Sài-gòn là thế,

Mỹ Diệm đang tô vẽ dị kỳ,

Nhưng dân dù có thiếu gì

Vẫn còn dư sức kiên trì đấu tranh.

[34] Tôi có đọc qua vài đọan cuốn này chỉ nhớ đại khái một đọan khá ngộ nghĩnh: thằng con má Bảy nói rằng coi phim thì giống như coi xi-la-ma ở trên tỉnh. Má “hứ” chê con nói nhảm. Vì xi-la-ma của Mỹ chỉ tòan đĩ với bợm nó ôm nhau. Còn đàng này là phim miền Bắc, làm gì giống được !

[35] Cảnh quen thuộc vào buổi chiều, nhiều người ngồi nghe đài hay tụ tập trước quầy vé số để dò số trúng. Riết dần tỉnh nào, ngày nào cũng có xổ số. Có lúc trúng số, có thưởng kèm truyền hình, xe gắn máy tùy theo từng đài, tỉnh khác nhau.

[36] Ngày nay nhiều khi nghĩ lại, tôi tiếc không thấy tác giả nào sáng tác hay hơn bằng cách tạo nê một huyền thọai kiểu La Mã (Hai anh em Remus và  Romulus được chó sói nuôi bú, rồi sau này lớn lên Remus sáng lập thành Reims, Romulus sáng lập thành Rome). Cứ sáng tác quách là nhờ bò nuôi bú rồi lớn nên thành anh hùng thông minh xuất chúng lại hiền đức. Tôi thấy vậy nó thực tế gần gũi hơn cái huyền thọai La Mã  nhiều. Ít ra nhờ được bò nuôi, thằng bé cũng không hung ác để gây cảnh huynh đệ tương tàn như hai anh em kia.

 

[37] Câu thành ngữ “Đèn nhà ai nấy tỏ” do nghệ sĩ  Q.H (đòan Cửu Long Giang) nói trong hài kịch “Ma đưa lối quỷ đưa đường” năm 1980. Vở này nổi tiếng thời bấy giờ.

[38] Lúc đó tôi còn nhớ bài địa lý lớp 5 có nhắc tới “Khu vực tự trị Tây Bắc”. Ngày nay, không còn nhắc tới nữa…

 

[39] Câu chuyện bấy giờ được thông tin khá rầm rộ, không thua gì ca mổ “Việt-Đức” lừng danh của nhóm bác sĩ Tr.Th.Tr. Nhưng sau này lạ lùng là không ai thèm nhắc lại số phận của Sơn và Khang trong khi chuyện Việt-Đức vẫn còn được nhắc đến (không biết anh Sơn hay Khang đã đi Mỹ luôn rồi chưa ?). Số phận “cô Nhíp” Nguyễn Trung Kiên, nữ giao liên dẫn đường cho xe tăng đánh chiếm phi trường Tân Sơn Nhứt, cũng không còn được nhắc đến, mặc dù tên tuổi nhiều anh em chiến sĩ khác vẫn còn được nhắc đến ngày nay.

 

[40] (Xem thêm phần phụ lục, sách lịch sử lớp 5 cũng có in lại tương tự)

Trong quyển “Văn học giải phóng Miền Nam” của Phạm Văn Sĩ nói về tác phẩm “Từ tuyến đầu Tổ Quốc” viết thêm về tội ác của giặc khi như sau:

“… Đồng bào Miền Nam đã nói không ngoa rằng “chế độ Mỹ-Diệm là một lò sát sinh man rợ nhất trên trái đất ngày nay” (Thư Bến Tre). Thật vậy, tội ác Mỹ-Diệm nhiều như lá rừng, mỗi bức thư đều có vạch ra. Thử đọc vài đọan thư: “Anh Ty ở Hiệp Hưng bị chúng bắt đè ra mổ bụng cắt gan. Anh chạy hỏang, la thất thanh, máu ở ruột tuôn xối ra. Anh ngã ra chết giữa tiếng reo cười thú vật của bọn giặc. Ở Long Mỹ, bọn Mỹ-Diệm cắt cổ 26 thanh niên, máu đỏ ngầu cả một khúc mương vườn (…) Một chị phụ nữ có thai gần ngày sanh chống cự lại khi chúng hãm hiếp, chúng bắn chết chị ấy. Thai trong bụng ngột hơi đạp, chúng liền lấy chày vồ đập xuống bụng chị làm thai vọt ra, chúng đứng chống nạnh cười thích thú!” (Thư Bến Tre, tr.65,66, tập 1)

Tố Hữu có làm bài thơ từ ý tưởng trên mà chúng tôi sau này được học để làm dẫn chứng khi làm văn:

…Thảm lắm anh à! Lũ ác ôn
Giết cả trăm người trong một sáng
Máu tươi lênh láng đỏ đường thôn.
Có những ông già, nó khảo tra
Chẳng khai, nó chém giữa sân nhà
Có chị gần sinh, không chịu nhục
Lấy vồ nó đập, vọt thai ra!
Anh biết không Long Mỹ, Hiệp Hưng
Nó giết thanh niên, ác quá chừng
Hăm sáu đầu trai bêu cọc sắt
Ba hôm mắt mở vẫn trừng trừng.
Có em nhỏ nghịch, ra xem giặc
Nó bắt vô vườn, trói gốc cau
Nó đốt, nó cười… em nhỏ hét
“Má ơi, nóng quá, cứu con mau”!…

“Tội ác của kẻ thù đối với phụ nữ có những biểu hiện đáng ghê tởm. “Ở Điện Bàn, chị Th. có mang bảy tháng, bị chúng bắt tra tấn suốt mấy ngày; cuối cùng bị mộ cú đá giày vào bụng, đứa con chưa đủ tháng bị phọt ra ngòai. Chị cầm cái thai, vừa rú lên vừa chạy ra đường. Một lọai tiểu liên bắn theo, chị ngã chết” (tr.112, tập II). “Ở Thăng Bình, chị T. bị chúng cột chặt đầu ống quần lại, bỏ vào trong năm con rắn. Chị ngã ra chết ngất. Đến nay, đêm đến là chị rùng mình, đang ngủ vùng dậy kêu la:”Nó nhiều quá…nhiều quá !… (tr.112, tập II)

“ …Hơn nữa, nhằm kích động thú tính của bọn tay sai ác ôn, chúng tạo “cách chế biến xào nấu, biết cho lổ tai người và bàn tay người là ngon nhất”. Chúng lại còn đua nhau buôn mật người. “Giành nhau một cái mật, chúng có thể đâm chém nhau, bắn nhau, bởi vì một cái mật có thể bán 1000 đồng”

(Theo một tài liệu khác thì bấy giờ lương lính được lưu truyền bằng câu thơ, anh em đọc để so sánh thêm chơi:

“Anh đây là lính binh nhì,

Năm trăm mười bốn lấy gì nuôi em ?”)

[41] Sự thật này viết trong “Chân Dung và Đối Thọai” của Tr.Đ.Kh. như sau: …“Rồi T.H. quay lại mấy anh em, nheo nheo một bên mắt, vẻ trẻ trung, tinh nghịch: – Này xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho.”

[42] Bài này, hồi khỏang năm 1979 khi cuộc chiến Việt-Trung xảy ra, nhiều trường ở tỉnh ra lịnh học sinh phải xé bỏ trang này trong sách cũng như những trang nào có viết liên quan tới Trung Quốc.

[43] (Tóm tắt -theo wikipedia) Kpa Kơ lơng (1948-1975) đã tham gia chiến tranh Việt Nam với tư cách là một đội viên du kích từ 15 tuổi. Khi 13 tuổi, Kpa Kơ lơng xin vào du kích nhưng không được vì còn nhỏ. Tức giận, Kpa Kơ lơng dùng cung tên mà giết được 3 lính địch nên được giới thiệu vào du kích. Xã đội trưởng đưa 3 viên đạn và một cây các-bin và yêu cầu phải giết được 3 tên giặc. Kpa Kơ lơng  phục kích bắn 2 phát diệt 7 tên , làm bị thương 1, còn 1 viên đạn mang về trả cho xã đội trưởng. Sau khi hoàn thành thử thách, Kpa Kơ lơng được tham gia đội du kích xã. Khi mới 15 tuổi, Kpa Kơ lơng đã đánh 30 trận, lật 8 xe cơ giới và giết 88 địch.

Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, Kpa Kơ lơng tham gia chiến đấu 32 trận, diệt 124 địch (có 6 lính Mỹ), phá huỷ 7 xe quân sự và là chiến sĩ trinh sát gan dạ, bắn giỏi đồng thời là một trong những người diệt nhiều địch nhất trên chiến trường Tây Nguyên.

 

[44] Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu 1960-1965 có trao giải khuyến khích cho bộ phim đèn chiếu “Binh ong”của Ban thông tin văn hóa giáo dục tỉnh Bến Tre phát hành. Không biết chuyện ong đánh Mỹ có phải được sáng tác các variations bắt đầu từ phim này ?

Ngòai ra, theo: http://www.webchannuoi.com/showthread.php?tid=645&pid=805#pid805

viết như sau:

“Ong vò vẽ có công đánh Mỹ
Đốt máy tên mặt mũi sưng vù
Lên máy bay còn khóc hu hu
Ong về tổ ung dung nhịp cánh”.

Đến bây giờ, câu chuyện bà con xã Long An, huyện Cần Đước, tỉnh Long An đánh Mỹ bằng ong vò vẽ vẫn còn được truyền tụng bằng câu vè kể trên. Năm 1964,một cố vấn Mỹ đi theo một cánh quân nguỵ từ hướng Cầu Sắt đổ vào Long Sơn. Qua khỏi Cầu Sắt, cả bọn bị ong vò vẽ bung ra đánh tới tấp liền bỏ chạy tán loạn và rơi vào hầm chông, mìn do dân quân tự vệ cài sẵn và đại bại thảm hại. Năm 1967, trong trận càn của địch vào ấp Bà Lành, lại thêm một lính Mỹ bị ong vò vẽ đánh đến độ rớt xuống sông chết ngạt… Không chỉ ở Long An mà ngay tại quê hương Đồng Khởi (Bến Tre), ong vò vẽ cũng được quân dân ta huấn luyên thành những chiến sĩ chống địch cự phách bằng cách luyện cho chúng biết phân biệt đâu là địch, đâu là ta thông qua việc nhận biết mùi mồ hôi.
Không chỉ đánh giặc, con ong vò vẽ còn là bạn của nhà nông, khắc tinh của các loại sâu bọ…

Nguyễn Thành Dũng -(Nguồn:Phóng sự xã hội, NXB Công an nhân dân (Q3/2005)

Theo: http://vietbao.vn/Trang-ban-doc/Tu-to-ong-toi-ham-chong-deu-the-hien-suc-manh-Viet/20865993/477/

“… Ông dừng lại trước tấm ảnh về một người đàn ông bên những tổ ong lớn rồi kể: “Đây là chiến công của ông Đoàn Văn Chia ở Cần Thơ. Hồi đó, ông Chia mua 100 tổ ong vò vẽ về nuôi. Từ những con ong tưởng chừng như vô hại này, ông bắt đầu huấn luyện cho bầy ong biết phân biệt mùi của kẻ thù. Khi kẻ địch đi càn, vừa bước vào làng, ông liền thả bầy ong “chiến ra”. Hàng ngàn con ong đã nhằm thằng kẻ thù mà cắn. Hoảng loạn, bọn địch tháo chạy tứ tung liền gặp phải mìn đã gài sẵn”…”

[45] Hai năm sau em tôi cũng làm bài này ở nhà (vì chương trình không đổi). Tôi làm dùm bằng cách lục trong một cuốn tập đọc trước 75 một bài thơ gần giống và đổi “Tý” thành “em”, “thầy” thành “cô”.  bài thơ cải biên của tôi như sau:

“Luôn luôn đi học đúng giờ

Em là một đứa học trò rất ngoan

khen em viết ngay hàng

Lại khen đọc rõ đánh vần từng câu

Khen em chăm chỉ tiến mau

Tháng nào em cũng đứng đầu lớp em”.

Bài được phê: “tả việc học tập ở lớp dưới, không sát đề”.

[46] Trước đó một thời gian ngắn, các lớp còn tổ chức chơi “bắn bì” náo lọan cả trường. May là không ai bị bắn trúng mắt mang họa.

[47] Hôm đó, sau giờ chơi, cô Kh. Chủ nhiệm lớp 4B bên cạnh , dắt qua lớp tôi chứng 5, 6 anh tham gia đá ngựa để cho lớp chúng tôi nhận dạng thủ phạm gạt chân cho Đ. té lỗ đầu. Trong số đó có thằng em họ của tôi. Cô Kh. kể tội từng anh một và nhấn mạnh một anh tên Đ. là một tay“chí mén”nhưng đá ngựa khá lỳ lợm. Sau này mới biết là thủ phạm lại là M. học lớp 2 tham gia chung với nhau hôm đó.

[48] Olympic ở Moscou là Olympic đầu tiên tôi theo dõi trong mùa hè này. Hiện tượng nước chủ nhà chiếm nhiều huy chương vàng nhứt khiến tôi về sau này không thèm coi nữa. Cũng tương tự khi nghe tin World Cup với nước chủ nhà vô địch.

Cũng thời điểm này, sự kiện Phạm Tuân lên tàu vũ trụ “Hữu nghị 37” với Gơ-rô-bát-cô để “nghiên cứu bèo hoa dâu” làm sôi động dư luận. Ngày Phạm Tuân về nước vô Sài gòn, chúng tôi tò mò đi ra đứng dọc đường để đón tiếp nhìn mặt cho biết.

Tố Hữu có bài thơ ca ngợi như sau:

Lạ lùng chưa,

Ta sống thật đây,

Gian khổ đêm ngày,

Mà cứ tưởng bay trong mơ ước.

Bửa cơm khoai ít cá nhiều rau,

Mà ngăn sông làm điện,

Khoan biển làm dầu

Chân đi dép lốp,

Mà lên tàu vũ trụ..

 

5 thoughts on “Hồi ký: tôi đi học phổ thông (cấp 1)

  1. Thấy kiến thức của bạn nhiều và nhiếu quá đấy chứ ! Lại hay có bài bản lắm chứ !
    Vậy kiến thức thì không là thừa , không là Vô ích ! Ok ?
    Nhưng đi đâu cũng không qua thực tế , trải nghiệm !
    Kết quả công việc , hiệu suất làm ăn !
    Độ nhanh nhậy để bắt kịp cái mới !
    Cách nhanh nhẩu và cả nhanh nhẹn , để tiếp xúc làm quen với mọi thứ !
    Làm sao để nhớ tất cả ! Hiểu tất cả ! Làm và nói ! Nói và làm !
    Đáp ứng cho mình , cho mọi người trong một buổi nói chuyện !
    Làm cho người ta tin mình ! Hy vọng những gì còn nằm trong đầu óc mình !
    …..Chính cái đó mới là cái cần ! Có lẻ bạn đã phải mất quá nhiều thời giờ và tốn nhiều sức lực và tốn tất cả nhưng chưa đạt được điều gì là Qúy Báu ! Gọi là Thành Công nhỉ ?

  2. Pingback: DU KÍCH TA TÀI GHÊ ! (Phạm Thanh Nghiên – Danlambao) | Ngoclinhvugia's Blog

  3. Pingback: DU KÍCH TA TÀI GHÊ ! (Phạm Thanh Nghiên – Danlambao) | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  4. Pingback: Du kích ta tài ghê! | Thơ Quê Hương

Bình luận về bài viết này