Báo động về chất lượng nhân lực ngành giáo dục

http://dantri.com.vn/c728/s728-476378/bao-dong-ve-chat-luong-nhan-luc-nganh-giao-duc.htm

(Dân trí) – Vừa qua, Diễn đàn Dân trí nêu lên chủ đề trao đổi về công việc và đời sống của nhà giáo thu hút được nhiều ý kiến tham gia. Thực tiễn nhiều năm gần đây cho thấy ngành sư phạm ngày càng giảm sức hấp dẫn và không còn thu hút được những HS giỏi.

Một vị là Phó Chủ tịch UBND huyện gặp tôi, tâm sự: “Tôi thấy bây giờ HS giỏi không thi vào trường sư phạm, tình hình rất đáng buồn”. Tôi nói: “Thì người giỏi làm ở lĩnh vực nào cũng tốt chứ bác”, anh đáp: “Đã đành là vậy, nhưng nếu người giỏi làm giáo dục thì sẽ có ích nhiều hơn cho xã hội, đào tạo được nhiều HS giỏi cho thế hệ tương lai”.

Mùa tuyển sinh năm nay, hai xu hướng đã thấy ở nhiều năm gần đây, ngày càng trở nên rõ nét: đó là có rất ít HS đăng ký thi vào khối C và các trường sư phạm. Năm 2010, cả nước chỉ có khoảng 5% thí sinh thi vào khối C, tình hình năm nay cũng tương tự.

Thầy Phan Hoà, Phó Hiệu trưởng  THPT Lê Viết Thuật (Nghệ An) cho biết: “Chỉ những HS không theo học được các khối khác mới học khối C”. Những HS thi khối C chủ yếu thi vào các ngành Luật, Báo chí. Còn những thí sinh khá giỏi học khối A,B,D…hầu như không lựa chọn ngành sư phạm.

Năm học 2010, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Nghệ An) chỉ có một bộ hồ sơ nộp vào trường sư phạm. Ở các trường THPT lớn trên địa bàn TP Vinh, tỷ lệ HS khối 12 nộp đơn vào các trường sư phạm cũng rất thấp. Điểm trúng tuyển của một số khoa các trường sư phạm chỉ ở mức điểm sàn.

Năm 2010, điểm chuẩn các ngành sư phạm của trường ĐH Vinh thấp đến mức đáng báo động: Toán : 15 điểm; Vật lý: 13 điểm; Hoá: 14,5 điểm; Sinh: 14 điểm; Văn: 17 điểm; Sử: 15 điểm…Trong điều kiện đề thi tuyển sinh ĐH có khoảng 70% là kiến thức cơ bản trong chương trình, một số môn thi theo hình thức trắc nghiệm, với mức điểm đó, ngành sư phạm chỉ “vớt vát” được những HS học lực trung bình, hoặc yếu.

Nguyên nhân HS không mặn mà với ngành sư phạm, vốn được coi là “nghề cao quý” bao gồm cơ hội việc làm khó khăn, chế độ đãi ngộ thấp, môi trường làm việc không tốt và cơ hội thăng tiến không cao. Một nguyên nhân nữa là vị thế xã hội của nhà giáo trong xã hội không được coi trọng.

Theo thông tin của Sở Nội vụ, hiện nay, ngành giáo dục Nghệ An có 1.863 cán bộ, GV, nhân viên dôi dư (bậc tiểu học dôi dư 717 GV, THCS hơn 1.100 cán bộ, nhân viên, GV). Bậc THPT cũng đã bão hoà GV, nhiều trường đã dôi dư. Có môn GV chỉ dạy khoảng 10 tiết/tuần, so với định mức tiêu chuẩn 17 tiết/tuần.

GV dôi dư khiến cho những SV sư phạm mới ra trường không còn cơ hội tìm việc làm trong tỉnh. Hầu hết SV sư phạm đều muốn có việc làm ở gần nhà, vì sẽ tận dụng được sự giúp đỡ của gia đình. Còn đi lập nghiệp ở các địa phương khác là điều bất đắc dĩ.

Thu nhập của GV nói chung, và GV mới ra trường rất thấp so với mặt bằng giá cả hiện nay. Lương GV mới ra trường chỉ ở mức từ 1,5 đến dưới 2 triệu đồng/tháng, nếu không có các nguồn thu nhập khác thì không đủ sống. Đời sống GV ở các vùng sâu, vùng xa gặp rất nhiều khó khăn. Lương GV được trả theo thâm niên, yếu tố năng lực, hiệu quả công tác không được tính đến. GV buộc phải dạy thêm, làm thêm để tăng thu nhập.

Chỉ có một số GV các môn Toán, Lý, Hoá, Ngoại ngữ…mới có HS đăng ký học thêm. Còn việc làm thêm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giảng dạy. Trong khi đó, học những ngành KHTN – KT, Ngoại ngữ ra trường làm việc ở các công ty, doanh nghiệp có thể có mức lương cao hơn nhiều lần.

 Môi trường của ngành giáo dục, mặc dù đã được cải thiện, song vẫn còn không ít những bất cập. Một số cán bộ quản lý chưa thực sự có sức thuyết phục về đức lẫn tài, những tiêu cực trong khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá GV vẫn chưa thực sự chấm dứt.

Những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường tác động đến nhà trường làm một bộ phận HS xuống cấp về đạo đức, vị thế của nhà giáo không được đề cao. Những yếu tố ấy khiến cho ngành sư phạm không còn sức hấp dẫn. Các GV cũng không định hướng cho con cái nối nghiệp.

Nhà giáo C.V, một GV giỏi ở TP Hà Tĩnh tâm sự: “Tôi phải thật lòng  khuyên học sinh của mình HS là sau khi tốt nghiệp cố tìm việc gì đó mà làm, chứ đừng theo nghề sư phạm”. Thầy BVN, GV Ngữ văn ở Gia Lai chia sẻ: “Một bộ phận không nhỏ GV ý thức cầu thị vươn lên rất yếu, chủ yếu là đối phó với các thủ tục thanh tra, kiểm tra của trường, của Phòng, của Sở. Các phong trào trong nhà trường như thao giảng dự giờ, viết sáng kiến kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy… thường rơi vào hình thức, khuôn sáo. Vào biên chế rồi, lương cứ “đến hẹn lại lên”, nên nhiều GV không có động lực phấn đấu. Nhiều GV Ngữ văn mà hầu như không đọc thêm sách báo gì, kiến thức cứ ngày một teo lại, rồi rơi vào lạc hậu, bảo thủ”.

Không ít cuộc họp tổ chuyên môn nhưng lại không bàn đến một nội dung gì liên quan đến chuyên môn. Việc các GV trao đổi, tranh luận say sưa về chuyên môn đang ngày càng trở nên hiếm hoi.

Chất lượng đội ngũ GV đang trong tình trạng báo động bởi hai nguyên nhân: đội ngũ hiện tại thiếu động lực phấn đấu và thiếu hụt nguồn bổ sung có chất lượng cao.

Một hiện tượng nữa là một số Gv có năng lực đã chuyển công tác đến những vị trí có thu nhập cao hơn, hoặc môi trường làm việc tốt hơn. Hiện tượng này diễn ra từ bậc đại học cho đến phổ thông.

Như vậy, nhân lực ngành sư phạm nói chung và nhân lực ngành sư phạm các môn KHXH nói riêng đang ở trong một giai đoạn rất khó khăn. Và hệ quả dây chuyền tất yếu sẽ đến: chất lượng đầu vào các trường sư phạm thấp thì chất lượng đầu ra cũng không thể cao, cho dù môi trường đào tạo tốt.

Mấy năm gần đây, không ít GV kì cựu phàn nàn về chất lượng của đội ngũ sinh viên thực tập và những GV mới ra trường. Có những GV ngành KHXH nhưng viết một văn bản còn sai cả chính tả, ngữ pháp. GV yếu kém thì cũng không thể đổi mới phương pháp giảng dạy.

Và không có đội ngũ GV giỏi thì cũng không thể có HS giỏi. Không có HS giỏi, tương lai giáo dục, tương lai đất nước sẽ ra sao, đó là một trăn trở lớn của những người có tâm huyết. Bài toán nan giải này, chỉ mỗi ngành giáo dục không giải được, mà cần có những quyết sách, chiến lược của Nhà nước.

 Trần Quang Đại -Hà Tĩnh.

LTS Dân trí-Bài viết trên đây của một nhà giáo phản ánh đúng tình hình đáng lo ngại về chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như trình độ yếu kém của những thí sinh được tuyển chọn vào ngành sư phạm.

 Cái gốc của vấn đề vẫn là ở chế độ, chính sách đối nghề sư phạm chưa tạo ra động lực phấn đấu đối với đội ngũ giáo viên cũng như chưa tạo sức hấp dẫn để thu hút nhiều học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm.

 Nếu để kéo dài tình trạng đó thì e rằng nền giáo dục của nước nhà ngày càng sa sút và sự tụt hậu ngày càng xa đối với nền văn minh thế giới là điều khó tránh khỏi. Suy nghĩ nghiêm túc để tìm ra giải pháp về vấn đề này là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo và quản lý đất nước ở tầm vĩ mô chứ không chỉ riêng của Bô Giáo dục và Đào tạo.

Các comments như thế này:

10 bình luận
Nguyễn Hoàng Nhi
(4/26/2011 4:11:00 PM)
forever14024@yahoo.com
Tôi là 1 giảng viên đại học trẻ, đang giảng dạy tại trường ĐH dân lập tại tpHCM, xin đưa ra 1 trường hợp của mình. Lương hàng tháng của tôi là 7 triệu đồng với 280 tiết dạy chuẩn/1 năm học + công việc của khoa, trường + 8h có mặt ở trường ngoài giờ dạy. Toàn bộ giờ coi thi, hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp … đều quy về giờ chuẩn và tính vào khối lượng công việc ngoài giờ theo quy định của nhà trường là 90h, với tỷ lệ là 1/4 (4h làm việc ngoài giảng dạy = 1 giờ chuẩn). Thưởng 1 năm 4 lần vào 4 dịp lễ lớn của đất nước. Mỗi lần 1 triệu đ. Các bạn có thể tính tổng tiền thu nhập, thì cũng xem như là đủ sống tằn tiện đi. Nhưng có ai làm ngành giáo dục mới thấm thía được những công việc không tên và không công. Soạn bài, chuẩn bị bài, chăm chút cho bài giảng trước khi lên lớp. Cứ xem như đó là lòng yêu nghề của mình đi. Thời gian chuẩn bị bài vở cho thật nghiêm túc, thời gian làm những công việc của khoa của trường giao cho, thật sự là không thể có thời gian để nghỉ ngơi. Tối về nhà lúc nào tôi cũng phải làm thêm, lúc thì soạn bài, lúc thì chấm bài, lúc thì tranh thủ vừa nấu cơm vừa vào điểm cho sinh viên…. Ngoài ra theo yêu cầu của Bộ Giáo dục ĐT và cũng là của nhà trường, 1 năm học 1 giảng viên phải hoàn thành 125 giờ chuẩn nghiên cứu khoa học. Trong đó 1 đề tài đạt giải cấp bộ sẽ được tính cao nhất là 10h chuẩn. Mà 1 đề tài đoạt giải cấp bộ không phải là dễ, chưa tính công sức, thời gian, tiền bạc bỏ ra để làm đề tài. Vừa rồi, tôi có hướng dẫn 1 sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học đoạt giải 2 cấp Bộ, cái tôi nhận được là giấy xác nhận của bộ gửi về trường và phần thưởng 500.000 (năm trăm ngàn đồng) của trường thưởng cho. Tôi đưa 1 ví dụ cho các bạn thấy: cậu tôi (lớn hơn tôi 3 tuổi) tốt nghiệp cấp 3, thi rớt đại học, hiện giờ làm công nhân tại nhà máy ở khu công nghiệp I Biên Hòa. Lương công nhân của cậu 1 tháng 3 triệu rưỡi, ngày làm việc 8 tiếng, thích thì tăng ca, không thì thôi. Tiền thưởng lễ 2/9 vừa rồi là 20 triệu đ/người công nhân (khối văn phòng là 30 triệu đồng/người). Sắp tới lễ 30/4 và 1/5 này cũng vậy, thưởng lễ là 10 triệu đồng/công nhân. Bạn tôi: tốt nghiệp đại học cùng khóa, cùng ngành với tôi, hiện đang làm KCS tại công ty Ajinomoto. Lương tháng 350 USD, ngày làm 8 tiếng, thưởng lễ 30/4 và 1/5 tới này sẽ là 2 tháng lương. Thiết nghĩ công sức ăn học đến trình độ thạc sĩ, niềm khát khao cống hiến kiến thức cho thế hệ trẻ, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của tôi sắp bị cơn bão giá và những vất vả cuộc sống đè bẹp. Hiện tại tôi chưa có con, nếu tôi có 1-2 đứa con nữa, không biết tôi có nuôi nổi nó bằng cái bằng thạc sĩ loại giỏi, bằng mấy cái giấy khen của bộ và 500.000 đồng tiền thưởng của nhà trường không nữa. Tôi đang rất nản và đang có ý định xin vào làm tại một công ty đa quốc gia. Đừng nói viển vông là phải có tâm với nghề, có đạo đức, có nhiệt huyết. Tôi có thừa tất cả những cái đó nhưng nó không xoa dịu được cơn đói bụng, hoa mắt mà thực tế là chỉ có bát cơm đầy mới làm được việc đó. Muốn người làm giáo dục mà nhất là những người trẻ như chúng tôi làm sao có thể duy trì mãi nhiệt huyết và lòng hăng say của mình. Hãy để chúng tôi được no lòng!!! Cám ơn báo Dân trí rất nhiều!
cao quang cương
(4/26/2011 4:09:00 PM)
caoquangcuong@gmail.com
Theo tôi có tình trạng trên là do 2 yếu tố. Thứ nhất là do ngành giáo dục đặt mục tiêu giáo dục quá cao, dẫn đến chất lượng giáo dục thấp, nhưng báo cáo thì cao. Hệ quả là học sinh hư nhiều, xuống cấp về đạo đức gây ra cảnh chán nản của giáo viên vì bệnh thành tích không thể chấp nhận được. Thứ hai do dãi ngộ ngành giáo dục quá thấp so với trí tuệ và công sức bỏ ra. Ví dụ cùng một trình độ học vấn thì hầu hết làm việc ở ngành khác bạn bè có đãi ngộ cao, không bó buộc. Còn lắm thầy cô bây giờ thì vẫn nghèo và còn không còn được tôn trọng nữa…
nguyễn thị ngọc hiền
(4/26/2011 4:08:00 PM)
ngochienbg1@gmail.com
Nghề sư phạm quá chán rùi! Mình học đại học ra trường mất 1,5 năm mới xin được việc. Trước đi dạy hợp đồng đươc 500 nghìn một tháng, sau đó chuyển tỉnh khác xin được nhưng mất 1 số tiền khổ lồ so với mức lương. Hết tập sự xin về tỉnh lại mất 1 số tiền khác. Vậy mà đã 5 năm theo nghề, hiên nay mình là GV giỏi cấp tỉnh, có học sinh đạt giải nhất huyện. Năm được giấy khen học tập theo tấm gương đạo đức HCM. Năm nay đăng ký chiến sĩ thi đua, có đến 90% khả năng là sẽ được. Nhưng rùi thấy nghề nghiệp, sự phấn đấu vươn lên thật khó khăn nếu so với nghề khác. Lương thì thấp, không đủ sống, hiện tại được có 2,1 triệu đồng. Lại sống ở thành phố, đi làm ở huyện cách nhà 13 km. Cuộc sống vô cùng khó khăn về kinh tế, nếu không có gia đình giúp đỡ không biết có nuôi nổi con không nữa. Thấy ngành mình chán quá rùi! Có lẽ dù được đào tạo và tiếc nghề lắm, nhưng biết làm sao?????????
nguyenphuong
(4/26/2011 3:33:00 PM)
nguyen.phuong40@gmail.com
Tôi là một cán bộ quản lí trong trường học tư thục. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi tổ chức thi tuyển giáo viên để vào dạy ở trường. Quả thực, chất lượng giáo viên hiện tại đáng báo động. Có năm gần 100 hồ sơ mà chúng tôi không tuyển nổi 4-5 giáo viên. Có những em sinh viên mới ra trường không giải nổi một bài toán dành cho học sinh giỏi lới 4-5. Có những cô giáo đã nhiều năm kinh nghiệm nhưng khi giảng thử bài thì … chúng tôi cũng thấy chán chứ chưa nói đến học sinh. Nếu cứ tình trạng này thì thật khó giải được bài toán chất lượng giáo dục. Bộ GD&ĐT không ngừng cải tiến chương trình, nhiều cái mới được đưa vào nhưng lại không chú trọng hướng dẫn giáo viên dạy cái mới đó. Chủ trương dạy 2 buổi một ngày, nhưng không có chính sách hỗ trợ giáo viên. Phải nói giáo viên hiện tại thiếu rất nhiều, nếu không chuẩn bị đủ làm sao ta theo kịp các nước bạn? Mong sao nhà nước có chính sách thu hút nhân tài cho ngành giáo dục chúng ta đỡ lạc hậu so với ngành khác, chứ chưa nói là với nước khác.
hoai an
(4/26/2011 3:29:00 PM)
chiâkho333@yahoo.com
Vợ chồng tôi là giáo viên và cũng từng có ý định cho con nối tiếp nghề của bố mẹ, nhưng con cái chúng tôi không nghe. Chúng không nghe cũng có cái đúng. Con dâu vợ chồng bạn tôi tốt nghiệp Sư phạm, phải bỏ ra 100 triệu đồng để xin việc mà vẫn không được. Nhiều cô giáo dạy hợp đồng ở trường vợ tôi lương tháng chỉ khoảng 700 ngàn đồng. Có cô giáo dạy hợp đồng đến 7 năm không được biên chế. Các thầy cô giáo đang giảng dạy cũng giảm nhiệt tình công việc. Không phải vì chế độ đãi ngộ mà vì ý thức học tập của học sinh ngày càng sút kém. Cách quản lí của ngành giáo dục thì chẳng có gì đổi mới, loay quay chỉ là kiểm tra mấy cái hồ sơ…
Nguyen Hà
(4/26/2011 3:16:00 PM)
haiphong_sp2@yahoo.com
Tôi thấy những lời lẽ trên hoàn toàn đúng. Giáo dục là quốc sách hàng đầu, song tôi thấy thật sự là giáo dục ở nước ta đáng lo ngại. Tôi cũng đang công tác trong ngành giáo dục. Bản thân các đồng nghiệp của tôi nhiều lúc chán, không có ý chí phấn đấu. Hầu như toàn thấy trách nhiệm, quyền lợi không được bao nhiêu.
Nguyễn Thị Mỹ Hạnh
(4/26/2011 3:03:00 PM)
hanhnm102@yahoo.com
Đọc bài viết của tác giả Trần Quang Đại, tôi rất tâm đắc vì chính vấn đề mà tác giả đưa ra cũng là điều tôi trăn trở và đã từng tâm sự với đồng nghiệp, và với cả HS của mình. Nhưng tôi không đủ khả năng để thuyết phục các học trò giỏi của mình theo ngành Sư phạm. Đã đứng trên bục giảng 4 năm học, tôi chưa gặp được học trò nào tâm sự với mình là: em muốn làm thầy giáo, như tôi ngày xưa đã từng thể hiện với thầy cô của mình. Các em bị ảnh hưởng bởi dư luận xã hội, và cái định kiến về nghề nghiệp quá lớn. Đúng là cuộc sống sẽ vô cùng khó khăn khi các em theo nghề cao quý nhất. Là nghề cao quý nhưng lại không nhận được sự quan tâm thích đáng của Nhà nước. Chúng tôi phải vận lộn với cuộc sống bằng đủ thứ nghề tay trái thì làm sao còn nhiều thời gian để học tập, nâng cao trình độ. Chúng tôi, những người làm trong ngành giáo dục kính mong các vị lãnh đạo hãy đọc những dòng tâm huyết này và không bỏ qua để tìm ra giải pháp cho Giáo dục Việt Nam….
Kim Chung
(4/26/2011 2:31:00 PM)
kimchung1959@yahô.com.vn
Tác giả bài viết đã nêu ra được hầu hết những nguyên nhân cơ bản. Tôi rất đồng tình với những ý kiến của tác giả. Hiện nay lực lượng giáo viên dư thừa quá nhiều với 2 lí do chính. Một là khi dân số đang giảm đà tăng thì số người đi học chắc chắn là sẽ không tăng, trong khi đó thì số giáo viên còn trong độ tuổi công tác là rất lớn, số người tới tuổi nghỉ hưu không đáng kể. Hai là trước đây chỉ có một số trường hàng đầu mới có khoa sư phạm, nhưng hiện nay hầu hết các tỉnh đều có trường đại học và đều có khoa sư phạm. Lượng giáo viên đào tạo chỉ trong một giai đoạn với số lượng quá lớn. Do vậy mất cân đối giữa cung và cầu. Bên cạnh đó chất lượng đào tạo của nhiều trường đại học vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một khó khăn lớn cho các nhà quản lí giáo dục là cơ chế khoán lương, người ta sẽ tìm giáo viên trẻ mới ra trường để sử dụng sẽ ít tốn kém hơn. Từ đó các giáo viên già, có kinh nghiệm thường được sắp xếp những công việc khác hoặc là hạn chế tối đa việc thừa giờ. Hiển nhiên là một thầy giáo dạy lâu năm thì chất lượng một tiết dạy khác hẳn với một giáo viên mới ra trường. Với cái đà này không bao lâu học sinh sẽ càng sa sút về chất lượng. Đó cần phải coi là một nguy cơ thực sự.
ngoc
(4/26/2011 1:59:00 PM)
ciuday@gmail.com
Che do dai ngo thap va luong thap thi lam sao HS thich duoc chu. 2 vo chong toi lam GV ma khong du tien an, chu dung noi chi tieu khac. Luong khong bang cong nhan lao dong pho thong trinh do moi het lop 9.
Pham Anh Khoa
(4/26/2011 1:55:00 PM)
thanhbinh123@yahoo.com
BÀI VIẾT QUÁ HAY, QUÁ TUYỆT VỜI… Đọc bài viết trên xong tôi mới thấy xúc động nghẹn ngào, giải tỏa bao ấm ức về ngành giáo dục hiện nay. Lãnh đạo ngành giáo dục không mấy quan tâm đến đời sống giáo viên hiện nay còn nghèo khổ, phải vừa đi dạy vừa đi làm thêm mới đủ sống. Bản thân tôi là một giáo viên, thấy học sinh ngày một đi xuống về đạo đức và lực học. Đội ngũ giáo viên ra trường nhiều người còn kém, không dạy được học sinh, nhiều lúc chỉ biết kêu trời. Học sinh khá giỏi nhận xét rằng “không bao giờ thi vào sư phạm, vào sư phạm có mà chết đói”. Tôi không ý kiến gì chỉ thấy buồn …
1


Bình luận về bài viết này